Thạch Bình là một huyện mới phát triển du lịch, song có rất nhiều di tích danh thắng lâu đời. Huyện có diện tích 3.090 km², dân số hơn 42 vạn người. Ấn tượng về những món ăn độc đáo, sự mến khách và lịch sử phong phú là điều nhiều du khách nhớ về vùng đất này. Trong số những di tích danh thắng văn hoá lịch sử tại Thạch Bình là Văn Miếu Thạch Bình cùng khuôn viên bảo tàng Viên Gia Cốc.
Văn Miếu Thạch Bình được xây dựng thời nhà Nguyên, đến năm Hồng Vũ thứ 22 được tu sửa và mang dáng dấp quy mô hiện nay. Điều khiến nhiều du khách thích thú là kỹ thuật điêu khắc trên đá với nhiều hình vẽ nghệ thuật tiêu biểu. Mặt khác, những phiến gỗ lớn được chế tác và xây dựng hài hoà làm cho không gian Văn Miếu uy nghi nhưng tươi tắn và hấp dẫn khách du lịch. Được biết, Văn Miếu Thạch Bình đã trải qua nhiều trận động đất song không hề bị hư hại.
Bảo tàng Thạch Bình Viên Gia Cốc được xem như một bảo tàng nghệ thuật lịch sử và văn hoá bản địa tiêu biểu. Bảo tàng này được xây dựng năm Đạo Quang thứ 30, Nhà Thanh ( 1851) với kinh phí 7,000 lượng bạc. Ngay khi ban đầu xây dựng, khuôn viên này nhằm mục đích để các vị quan nổi tiếng uyên bác dạy dỗ học trò, rèn luyện thi cử cũng như tạo không gian để các quan lớn nghỉ ngơi sau những thời gian làm việc. Khu vực này từng là nơi gắn liền với các vị Tổng đốc Vân Nam, Quý Châu. Do vậy, khuôn viên được bố trí tao nhã, sang trọng với các bố cục như cổng Long Môn, Giảng đường, vườn Sách…
Rời Thạch Bình, đoàn chúng tôi đến Kiến Thuỷ (Jianshui ). Huyện Kiến Thuỷ cách Thạch Bình hơn 70km, cách Kunminh, tỉnh lị của Vân Nam gần 160km. Kiến Thủy có lịch sử hơn 1180 năm. Nơi này đã được hình thành từ thời nhà Đường (618 – 907), mang tên Trúc Thành. Tới thời kỳ Vương quốc Đại Lý thì trở thành quận Kiến Thủy (937 – 1253). Vào thời nhà Minh đổi thành châu Kiến Thủy (1368 – 1644) và từ châu thành huyện Kiến Thủy vào thời nhà Thanh rồi giữ cái tên đó tới bây giờ.
Năm 2014, huyện này đã được liệt kê vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc cũng như trở thành khu danh lam thắng cảnh trọng điểm của đất nước này. Tại Vân Nam khi xưa có tới một nửa số người đỗ các kỳ khoa cử xuất thân từ phủ Lâm An nên Kiến Thủy xưa nay còn được biết tới là nơi coi trọng giáo dục, được xưng tụng là “Văn Hiến Danh Bang”. Trong thời nhà Thanh đã có tới 4 thư viện được xây dựng tại đây, đương thời gọi là “Lâm Bán Bảng”.
Cùng với cái tên, lịch sử thành phố cổ này cũng trải qua những năm tháng thăng trầm. Trong thời cổ đại, khi vẫn còn cái tên đường Lâm An, thành trì bị chiến tranh, thời tiết phá hủy phần lớn. Nhà Đường đã trùng tu, phục hồi lại. Dù có phần hư hỏng nhưng tới nay may mắn là Kiến Thủy vẫn được bảo tồn khá tốt, trở thành một trong những thành cổ đẹp nhất của Vân Nam.
Xưa kia thành cổ Kiến Thủy có 4 cổng thành ở 4 phía: “Nghênh Huy Môn” ở phía Đông, “Phụ An Môn” ở phía Nam, “Thanh Viễn Môn” ở phía Tây và “Vĩnh Trinh Môn” ở phía Bắc. Thế nhưng trải qua nhiều cuộc chiến tranh và thời gian bào mòn, hiện chỉ còn “Nghênh Huy Môn” còn được bảo tồn.
Lầu Triều Dương là tòa kiến trúc được xây dựng tại Nghênh Huy Môn, được biết đến là một trong những biểu tượng của Kiến Thủy. Lầu Triều Dương được xây dựng lần đầu tiên vào thời Hồng Vũ nhà Minh, trải qua 600 năm với nhiều lần trùng tu, công trình này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tới ngày nay
Nhiều du khách, cảm thấy kiến trúc lầu Triều Dương có vẻ quen quen, đã thấy ở đâu rồi thì có thể bạn đã từng nhìn thấy Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Lầu Triều Dương thường được giới thiệu với khách du lịch dưới cái tên “Tiểu Thiên An Môn” vì tòa nhà ở Bắc Kinh đã nổi tiếng, được nhiều người biết tới hơn. Thế nhưng người dân Kiến Thủy lại không thích cách gọi này cho lắm bởi họ tự hào lầu Triều Dương chính là nguyên mẫu của Thiên An Môn. Chính học trò của người thợ xây nên Lầu Triều Dương, chính là kiến trúc sư tạo nên Thiên An Môn.
Với những người thích mua sắm hay đi bộ dạo phố cổ, bước qua cổng lầu Triều Dương, bạn sẽ bắt đầu hành trình khám phá phố cổ Kiến Thủy trên con đường đá Lâm An – trục đường chính của khu phố cổ này với nhiều cửa hàng bán đồ hiện đại song được trang trí hài hoà với kiến trúc tổng thế của mướt ngàn cây xanh.
Du lịch Kiến Thuỷ, ngoài Lầu Triều Dương, du khách còn được đến nhiều điểm như Phố Hàn Lâm, bán gốm tím Kiến Thủy nên nhiều người nghĩ đây là phố Tử Đào (Phố gốm tím Kiến Thủy). Khi màn đêm buông xuống, cả con phố Tử Đào được chăng đèn kết hoa đầy màu sắc với nhiều hàng đồ nướng, trà sữa, quần áo, phụ kiện,…. chứ không chỉ riêng bán gốm. Vậy nên nhiều người chỉ biết đó là “Chợ đêm Kiến Thủy” mà không biết đó chính là con phố Tử Đào nổi tiếng.
Bên cạnh đó, tới Kiến Thuỷ mà chưa qua thăm Chu Gia hoa viên cũng là thiếu sót. Xưa kia, nơi này còn được gọi là “Vườn ngắm cảnh lớn nơi biên giới Tây Nam” hay “vườn ngắm cảnh lớn nhất phía Nam tỉnh Vân Nam”. Chu Gia Hoa Viên được xây dựng từ những năm 1870 và phải mất đến 30 năm mới hoàn thành (1910). Đây từng là dinh thự nhà ở và từ đường của nhà họ Chu – một gia tộc thương nhân giàu có ở Kiến Thủy. Sau này được nhà nước tiếp quản, tu sửa và mở làm điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho công chúng.
Ngoài ra, Kiến Thuỷ có cầu Song Long cổ kính, nằm trên dòng sông Lô Giang với 3 lầu gác, 17 lỗ vòm, cao 9m, rộng 3m và dài gần 150m. Đây là một trong những cây cầu cổ lớn và đẹp nhất, có giá trị lịch sử nhất Trung Quốc.
Ông Kong Xiang Hui, Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Tân Phi Dương có trụ sở tại Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam chia sẻ:“ Ngoài các tuyến truyền thống, chúng tôi đang xúc tiến quảng bá các tuyến điểm mới của Vân Nam như Kiến Thuỷ, Thạch Bình, Bình Biên với nhiều dấu ấn văn hoá, cảnh quan và ẩm thực cùng cơ chế hợp tác linh hoạt, hỗ trợ cho đối tác Việt Nam. Hi vọng trong thời gian tới, Vân Nam sẽ được thêm nhiều du khách Việt Nam biết đến”.
Sau khi tham gia chương trình khảo sát, Ông Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch hệ thống Du lịch PhucGroup khẳng định: “ các điểm đến Thạch Bình, Kiến Thuỷ với những lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt Nam. Mặt khác, sự thuận tiện về cấp giấy thông hành, thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng, hệ thống giao thông cao tốc kết nối và cơ chế giá bán hợp lý sẽ hứa hẹn sự hợp tác vững chắc, cùng phát triển giữa doanh nghiệp Lữ hành 2 nước cho tuyến du lịch rất ấn tượng này”. ông Bắc nói thêm.
Có thể nói, Khi nhắc tới Vân Nam Trung Quốc, người ta thường nghĩ đến Kunminh hay Lệ Giang nhiều nhất. Thế nhưng chỉ cần đến Kiến Thủy một lần,cùng những danh thắng tuyệt đẹp và món Bún Qua Cầu nổi tiếng không thể bỏ qua, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình, tĩnh lặng và những nét đặc trưng nhất của một phố thị Trung Hoa cổ xưa mà tưởng như chỉ còn trên phim ảnh