TMO – Về cơ cấu kinh tế, Hưng Yên đặt mục tiêu Nông nghiệp, thủy sản chiếm 3,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 – 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP.
Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030: 278 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 – 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 8,5 – 9,0%/năm. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 50 – 55%.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1,0%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025 và không còn hộ nghèo đến năm 2030. Về môi trường, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; 100% dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc…
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (GRDP) quý I/2024 ước tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,06% (đóng góp 0,18 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); công nghiệp và xây dựng tăng 7,49% (đóng góp 4,57 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); khu vực thương mại, dịch vụ tăng 5,43% (đóng góp 1,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,49% (đóng góp 0,68 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh). Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh tiếp tục duy trì mức khá ổn định so với quý I các năm gần đây và chủ yếu đóng góp từ khu vực công nghiệp và xây dựng, đóng góp tới 68,04% tăng trưởng. So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không có dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng và vật nuôi. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều đạt khá, tuy nhiên, do diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm tiếp tục giảm nên sản lượng cây trồng hằng năm giảm.
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cùng lúc phải chịu ảnh hưởng từ việc thị trường một số sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; chi phí sản xuất kinh doanh tăng;… nhưng đã bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,29%, đóng góp 3,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Một số ngành duy trì được mức trưởng khá như: sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện…/.
THANH BÌNH