Gần một tuần nữa, vào lúc 2h ngày 15.6 (theo giờ Việt Nam), vòng chung kết EURO 2024 sẽ khởi tranh bằng trận đấu giữa tuyển Đức và Scotland. Khi các đội đang gấp rút gút danh sách và lên đường cũng là thời điểm thích hợp để tìm hiểu về giải bóng đá hấp dẫn thứ hai hành tinh ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) này.
Vòng chung kết EURO đầu tiên diễn ra vào năm 1960, cách nay 64 năm. Trận đấu đầu tiên là cuộc chạm trán giữa chủ nhà Pháp và Nam Tư (cũ). Trận đấu chứng kiến Những chú gà trống Gaulois để thua với tỉ số 4-5. Tính đến nay, đây vẫn là trận đấu có nhiều bàn thắng nhất lịch sử vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu. Thể thức thi đấu các kỳ EURO trong những năm đầu, ở thập niên 1960 và 1970, rất sơ khai. Vòng chung kết chỉ có 4 đội tham dự, chia làm 2 cặp thi đấu loại trực tiếp. Sau khi vượt qua chủ nhà Pháp tại bán kết, Nam Tư để thua Liên Xô (cũ) của thủ thành huyền thoại Lev Yashin trong trận chung kết. Liên Xô trở thành đội bóng đầu tiên vô địch châu Âu.
Các đội khác đăng quang trong giai đoạn vòng chung kết chỉ có 4 đội là Tây Ban Nha (1964), Italia (1968), Tây Đức (1972) và Tiệp Khắc (1976). Trận chung kết năm 1976 cũng là trận đấu đầu tiên sử dụng loạt đá luân lưu để phân định thắng thua. Ở lượt đá quyết định, Antonin Panenka khắc tên mình vào lịch sử bóng đá không chỉ vì thực hiện thành công cú sút mà còn ở cách sút. Thay vì dứt điểm thật lực để đánh bại thủ môn đối phương, trong khoảnh khắc cân não ấy, tiền vệ của đội tuyển Tiệp Khắc khiến tất cả ngỡ ngàng khi đánh lừa thủ môn đối phương bằng pha sục bóng vào giữa khung thành. Cách đá 11m này về sau được nhiều cầu thủ làm theo và được đặt luôn là “sút kiểu Panenka”.
Từ năm 1980, quy mô số đội tại vòng chung kết EURO tăng lên gấp đôi. 8 đội chia làm hai bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, 2 đội dẫn đầu giành vé vào bán kết. Giải đấu này chứng kiến Tây Đức trở thành đội đầu tiên 2 lần vô địch châu Âu. 4 năm sau, vòng chung kết bóng đá châu Âu chứng kiến huyền thoại Michel Platini thể hiện màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất lịch sử giải đấu này. 9 bàn thắng, bao gồm 2 cú hat-trick của Platini đã đưa tuyển Pháp đến chức vô địch EURO đầu tiên trong lịch sử. Đến giải đấu năm 1988, Hà Lan đăng quang sau khi đánh bại Liên Xô trong trận chung kết. Bàn thắng quyết định được ghi do công chân sút lừng danh Marco van Basten, với cú vô-lê một chạm ở góc rất hẹp. Tuyệt phẩm của Van Basten cũng được đánh giá là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử túc cầu.
Từ EURO 1992, bóng đá trải qua biến chuyển lớn khi luật cấm thủ môn bắt bóng nếu đồng đội chuyền về. Đây là điều chỉnh mang tính cách mạng vì trận đấu trở nên tốc độ và hấp dẫn hơn. Cá nhân thủ môn cũng phải sử dụng chân hiệu quả hơn. Đơn cử như Đan Mạch, đội lên ngôi vô địch ở giải đấu này sở hữu trong khung thành một trong những “người gác đền” không chỉ giỏi bắt bóng mà còn chơi chân rất tốt là Peter Schmeichel. Một chi tiết thú vị khác, “Những chú lính chì” không hề có vé dự vòng chung kết EURO và chỉ được “vớt” để thay thế Nam Tư (cũ). Đến EURO 1996, đội tuyển Đức giành chức vô địch châu Âu lần thứ ba, khẳng định sự thống trị của bóng đá nước này trên lục địa già trong thế kỷ XX.
Những năm 2000 lại là kỷ nguyên của bàn thắng. Ba kỳ EURO trong thập niên này đều nằm trong top 4 vòng chung kết có tỷ lệ bàn thắng cao nhất lịch sử. Tuyển Pháp đăng quang EURO 2000 nhờ bàn thắng vàng của David Trezeguet. Hy Lạp tạo nên bất ngờ lớn nhất lịch sử giải đấu khi đăng quang trên đất Bồ Đào Nha 4 năm sau. Đáng nói, đoàn quân đến từ xứ sở thần thoại này còn 2 lần đánh bại đội chủ nhà, vốn được đánh giá rất cao về chất lượng đội hình. Trong đó có sự ra mắt của Cristiano Ronaldo. EURO 2008 lại đánh dấu sự lên ngôi của đội tuyển Tây Ban Nha với lối chơi tiqui-taca lẫy lừng. La Roja tiến đến chức vô địch bằng lối chơi bật nhả ma mị và tấn công đẹp mắt. Đội bóng này sẽ còn trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu tại kỳ EURO 4 năm sau, bằng một phiên bản tiqui-taca thực dụng hơn, hay còn được ví von là tiqui-tacanaccio.
Đến EURO 2016, Bồ Đào Nha trở thành tân vương của bóng đá châu Âu dù chỉ xếp thứ ba tại vòng bảng. Đây là giải đấu quy mô được mở rộng từ 16 lên 24 đội. Các đội chia làm 6 bảng, ngoài 12 đội đứng đầu các bảng, 4 đội thứ ba có thành tích tốt nhất cũng giành vé vào vòng 1/8. Và ở giải vô địch bóng đá châu Âu gần nhất, mang tên EURO 2020 nhưng diễn ra trong năm 2021 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giải đấu này cũng không có quốc gia đăng cai. Nhằm kỷ niệm 60 năm ngày ra đời, giải đấu được tổ chức trên nhiều quốc gia. VAR cũng lần đầu tiên được áp dụng. Và Italia lần thứ hai đăng quang, sau khi đánh bại tuyển Anh trong trận chung kết.
Đối với “Tam sư” vô địch châu Âu còn khó hơn thế giới, vì quê hương của bóng đá đã đăng quang tại World Cup nhưng chưa từng lên ngôi tại EURO, cho dù đã có 10 đội vô địch sau 17 lần tổ chức. Hai đội giàu thành tích nhất là Tây Ban Nhà và Đức (tính cả Tây Đức), mỗi đội 3 lần vô địch. Xếp sau là Italia và Pháp (2), những đội đăng quang 1 lần là Liên Xô, Tiệp Khắc, Hà Lan, Đan Mạch, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.