TMO – UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đánh giá thực trạng, phân loại, hoàn thiện thủ tục, đề xuất phương án đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết hạn trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, trên địa bàn có 54 khu vực hết hạn, phải đóng cửa mỏ. Đến nay, có 49 khu vực đã và đang thực hiện việc đóng cửa mỏ; trong đó, 22 mỏ đã ban hành các quyết định đóng cửa; 10 mỏ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ, hiện các doanh nghiệp đang thực hiện các công việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo Đề án được phê duyệt; 8 mỏ doanh nghiệp đã nộp hồ sơ và đang thẩm định Đề án đóng cửa mỏ để trình phê duyệt theo quy định; 9 mỏ doanh nghiệp đang phối hợp đơn vị tư vấn lập hồ sơ Đề án đóng cửa mỏ. Hiện còn 5 mỏ, doanh nghiệp chưa lập hồ sơ Đề án đóng cửa mỏ, mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đôn đốc.
Để giải quyết việc đóng cửa mỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đo vẽ chi tiết hiện trạng diện tích, cao độ khu vực khai thác, đối chiếu với hồ sơ cấp mỏ và các hồ sơ địa chính liên quan, từ đó xác định cụ thể ranh giới khai thác, trữ lượng khoáng sản thực tế khai thác, đối chiếu với số liệu báo cáo của doanh nghiệp, số liệu thông tin của Cục Thuế; báo cáo UBND tỉnh xử lý, truy thu các nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp khai thác vượt diện tích, cao độ theo giấy phép, các trường hợp có số liệu trữ lượng khoáng sản qua đo vẽ hiện trạng lớn hơn số liệu doanh nghiệp báo cáo và Cục Thuế thông tin, bảo đảm không thất thoát ngân sách nhà nước.
Đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, không để lãng phí đất đai đối với các mỏ đưa ra khỏi quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ tiếp tục quy hoạch, sớm bổ sung vật liệu san lấp cho thị trường, lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hướng dẫn lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo các tài liệu hiện có.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Cục Thuế xác định nghĩa vụ tài chính về đất doanh nghiệp phải thực hiện, kiên quyết thu đủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước; phân loại, xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, truy thu các nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai theo đúng quy định; rà soát tình hình hoạt động, tạm dừng hoạt động của các mỏ còn lại để tiếp tục tham mưu giải quyết…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 2) của UBND tỉnh tổ chức chiều 6/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá thực trạng, phân loại, hoàn thiện thủ tục, đề xuất phương án đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết hạn trên địa bàn. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu thực hiện việc đóng cửa mỏ phải tuân thủ quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Các sở, ngành chức năng tiếp tục xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, thu đủ tiền thuê đất… không để thất thoát ngân sách Nhà nước.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ thất thoát tài nguyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Hải Dương có công văn gửi các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai hàng loạt giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; tiếp tục rà soát hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu, thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ đủ điều kiện theo quy định; rà soát, báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện giải quyết dứt điểm về tiền thuê đất của các trường hợp giấy phép khai thác đã hết hạn mà không được gia hạn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt, khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản…UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Công an tỉnh tổ chức, chỉ đạo lực lượng từ các địa phương đến cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc hoạt động tuần tra, kiểm soát lưu động để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, xe ô tô quá tải trọng đi trên các tuyến đê.
Đối với các khu vực, địa bàn có dấu hiệu phức tạp về khai thác khoáng sản trái phép, chỉ đạo Công an cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện huy động các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng Công an tiến hành lập chốt để phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.
Sở Xây dựng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình đầu tư và khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thường xuyên theo dõi, dự báo về cung, cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng để kịp thời tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, điều chỉnh các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình hệ thống dẫn điện và xăng dầu, được khoanh định vào khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung có liên quan đến đê điều, thoát lũ sông, quản lý hoạt động bến bãi ngoài sông theo pháp luật đê điều.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Kinh Môn, UBND thành phố Chí Linh kiểm tra, rà soát, xác định vị trí, diện tích, hiện trạng rừng để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức quản lý, hướng dẫn, thẩm định trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra các dự án nạo vét nâng cấp hồ chứa, công trình thủy lợi có thu hồi khoáng sản…/.
Đức An