(Chinhphu.vn) – Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội.
Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng7 năm 2008 là sự thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Sau 15 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kể từ khi Luật Hóa chất có hiệu lực đến nay ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được những tổ chức nghiên cứu, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất…
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 15 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
Luật Hóa chất hiện nay chưa quy định rõ ràng và chính xác phạm vi và đối tượng áp dụng các hoạt động quản lý, cụ thể như: chưa phân định được hóa chất và các sản phẩm hàng hóa chứa hóa chất; chưa phân định cụ thể hoạt động sản xuất hóa chất và các hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; khái niệm về hóa chất độc chưa phù hợp thực tế…
Hóa chất tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau và sử dụng trong nhiều lĩnh vực, do vậy các khái niệm chưa phân định rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến xác định đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, phân công trách nhiệm và phối hợp trong quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Các quy định về yêu cầu đối với dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Luật Hóa chất năm 2007 chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh.
Thực tế hiện nay có nhiều sản phẩm như sơn, mực in và keo dán, chất tẩy rửa… do trong thành phần có chứa hóa chất nguy hiểm nhưng người tiêu dùng chưa được cung cấp thông tin về các thành phần nguy hiểm hoặc thông tin còn chung chung do chưa có quy định, chưa có cảnh báo nguy hiểm về nguycơ cháy nổ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đối với người tiếp xúc. Trong khi đó, những hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm như trên hiện chưa được điều chỉnh trong Luật Hóa chất và cũng chưa được điều chỉnh trong các văn bản chuyên ngành khác…
Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định
Do đó, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược pháttriển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; xây dựng cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội.
Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định trong những năm tiếp theo; hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế.
Bố cục dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 11 Chương:
Chương I: Quy định chung, gồm 7 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6)
Chương II: Phát triển công nghiệp hoá chất, gồm 5 Điều (từ Điều 7 đến Điều 11)
Chương III: Quản lý hoá chất trong vòng đời, gồm 4 mục, 34 Điều (từ Điều 12 đến Điều 45).
Chương IV: Đăng ký và Cung cấp thông tin hoá chất và quảng cáo hoá chất, gồm 13 Điều (Điều 46 đến Điều 58).
Chương V: Thực hiện cam kết quốc tế về quản lý hoá chất, gồm 2 Điều (Điều 59 và 60).
Chương VI: Sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm, gồm 3 Điều (từ Điều 61 đến Điều 63).
Chương VII: An toàn hoá chất, gồm 2 Mục, 14 Điều (từ Điều 64 đến Điều 77).
Chương VIII: Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 78 đến Điều 82).
Chương IX: Chế độ báo cáo, gồm 4 Điều (từ Điều 83 đến Điều 86).
Chương X: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất, gồm 7 Điều (từ Điều 87 đến Điều 93).
Chương XI: Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 94 và 95).
Minh Hiển