Hôm nay 3/7/2025, giá dầu thế giới tăng hơn 2% sau động thái của Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tín hiệu tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cụ thể, giá dầu Brent ở mốc 68,72 USD/thùng, tăng 2,37%, giá dầu WTI ở mốc 67,0 USD/thùng, tăng 2,43%.
Thị trường thế giới
Theo Oilprice lúc 4h30 ngày 3/7/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 68,72 USD/thùng, tăng 2,37% (tương đương tăng 1,59 USD/thùng). Tương tự, giá dầu WTI ở mốc 67,0 USD/thùng, tăng 2,43% (tương đương tăng 1,59 USD/thùng).
Giá dầu Brent dao động trong biên độ từ 66,34 đến 69,05 USD/thùng từ ngày 25/6 đến nay, trong bối cảnh lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông lắng xuống sau khi Iran và Israel đạt được lệnh ngừng bắn.

Mới đây Iran đã thông qua một đạo luật quy định mọi cuộc thanh tra trong tương lai tại các cơ sở hạt nhân của nước này bởi IAEA phải có sự chấp thuận của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao.
“Thị trường đang phản ứng với rủi ro địa chính trị gia tăng sau động thái của Iran đối với IAEA. Tuy nhiên, đây mới chỉ là yếu tố tâm lý, chưa có sự gián đoạn nguồn cung thực tế”, chuyên gia phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của UBS nhận định.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin Tổng thống Donald Trump và truyền thông nhà nước Việt Nam xác nhận Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thương mại, theo đó Mỹ áp mức thuế 20% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sau cuộc đàm phán vào phút chót.
Đà tăng giá dầu bị chững lại sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố tồn kho dầu thô trong nước bất ngờ tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước, nâng tổng dự trữ lên 419 triệu thùng. Trước đó, các nhà phân tích được Reuters khảo sát kỳ vọng mức giảm 1,8 triệu thùng. Đồng thời, nhu cầu xăng tại Mỹ giảm xuống còn 8,6 triệu thùng/ngày, làm dấy lên lo ngại về tiêu thụ trong mùa cao điểm lái xe mùa hè.
Về phía cung, kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh như Nga, dường như đã được thị trường dự đoán từ trước và khó tạo bất ngờ trong ngắn hạn. Chuyên gia Priyanka Sachdeva từ Phillip Nova cho biết, OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng tới khi nhóm họp vào ngày 6/7, tương đương mức tăng của các tháng 5, 6 và 7 đã thống nhất trước đó.
Theo dữ liệu từ Kpler, Saudi Arabia đã tăng xuất khẩu trong tháng 6 thêm 450.000 thùng/ngày so với tháng 5, mức tăng mạnh nhất trong hơn một năm. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu của OPEC+ từ tháng 3 đến nay nhìn chung vẫn tương đối ổn định hoặc giảm nhẹ. Chuyên gia Staunovo dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong mùa hè do thời tiết nóng làm gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng.
Trong tuần này, báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm. Theo chuyên gia Tony Sycamore từ IG, đây sẽ là cơ sở quan trọng để thị trường định hình kỳ vọng về mức độ và thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. Việc hạ lãi suất có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế, từ đó kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.
Thị trường trong nước
Giá xăng được điều chỉnh giảm, giá dầu tăng kể từ 0 giờ ngày 1/7 sau khi chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, xăng E5RON92 không cao hơn 20.530 đồng/lít (giảm 101 đồng/lít so với kỳ trước). Xăng RON95-III không cao hơn 21.116 đồng/lít (giảm 128 đồng/lít so với kỳ trước). Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.349 đồng/lít (tăng 193 đồng/lít so với kỳ trước). Dầu hỏa không cao hơn 19.064 đồng/lít (tăng 141 đồng/lít so với kỳ trước). Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.955 đồng/kg (giảm 668 đồng/kg so với kỳ trước).
Theo thống kê, đây là lần điều chỉnh giá thứ 25 kể từ đầu năm 2025. Trong đó, xăng E5RON92 và RON95 cùng có 13 lần tăng và 12 lần giảm giá; dầu diesel có 12 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ giá; dầu mazut có 15 lần tăng và 10 lần giảm.
Liên Bộ cho biết, việc điều hành giá lần này được tính toán dựa trên biến động giá thế giới, chênh lệch tỷ giá VND/USD và chủ trương khuyến khích sử dụng xăng sinh học, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.