Giá xăng ngày 3/7 được dự báo sẽ tiếp tục giảm, mức giảm khoảng 1.200-1.400 đồng/lít.
Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ
Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (3/7). Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu phía Nam cho biết, sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô tiếp tục giảm.
Ngày 30/6, giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường Singapore ở 79,2 USD/thùng với xăng RON 95, giảm hơn 3 USD/thùng so với 6 ngày trước; xăng RON 92 ở mức 77,39 USD/thùng, giảm gần 4 USD/thùng. Nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm tiếp trong kỳ điều hành ngày mai.
Cụ thể, giá xăng dự kiến giảm khoảng 1.200-1.400 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm 900-1.000 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương – Tài chính chi sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm nhiều hơn.

Chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo giá xăng dầu sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày mai. Ngày 1/7, chiết khấu xăng dầu tại một số kho đã lên mức cao 1.700-2.500 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng RON 95 trong nước sẽ giảm 2 phiên liên tiếp sau 5 phiên tăng. Hiện tại, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp trong 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 7/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 14 lần, giảm 12 lần. Dầu diesel có 13 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Ở lần điều chỉnh gần nhất ngày 1/7 – thời điểm chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực, cơ quan điều hành quyết định giảm 380 đồng/lít với xăng E5 RON 92 còn 20.530 đồng/lít; xăng RON 95 cũng giảm 390 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 26/6, về 21.110 đồng/lít. Dầu diesel giảm 360 đồng/lít về 19.340 đồng/lít; dầu hỏa giảm 350 đồng/lít về 19.060 đồng/lít; dầu mazut giảm 310 đồng/kg về 16.950 đồng/kg.
Giá dầu thế giới
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu giảm nhẹ khi nhà đầu tư đánh giá rủi ro địa chính trị tại Trung Đông đang hạ nhiệt và khả năng OPEC+ cân nhắc tăng sản lượng từ tháng 8. Dù vậy, giá dầu vẫn ghi nhận đà tăng trong tháng thứ hai liên tiếp.
Trước đó, xung đột giữa Iran và Israel vào ngày 13/6 đã đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng. Giá mặt hàng này đã giảm xuống còn 67 USD/thùng sau tuyên bố về lệnh ngừng bắn.
Dữ liệu của Trading Economics cho thấy, 7h ngày 2/7 giá dầu WTI được giao dịch ở mức 65,42 USD/thùng, giảm 0,11% so với tuần trước; tương tự, dầu Brent cũng ở mức 67,21 USD/thùng, tăng 0,62%.

Theo ông Randall Rothenberg – chuyên gia phân tích rủi ro tại Công ty môi giới dầu mỏ Liquidity Energy (Mỹ), đà tăng của giá dầu phần lớn đến từ dữ liệu tích cực trong việc khảo sát các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này đã quay trở lại đà tăng trưởng trong tháng 6.
Ngoài ra, kỳ vọng Saudi Arabia sẽ tăng giá bán dầu thô cho các khách hàng châu Á trong tháng 8 lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng, cùng với mức chênh lệch giá dầu ESPO Blend của Nga đã củng cố thêm niềm tin vào triển vọng nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ, ông Rothenberg nhận định.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị kìm hãm bởi kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu trong tháng 8. Theo báo chí quốc tế, bốn quốc gia trong OPEC+ cho biết, nhóm này dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày 6/7 tới đây.
“Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào quyết định của OPEC+ vào cuối tuần này, khi nhóm này được kỳ vọng sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày nhằm giành thêm thị phần, đặc biệt là từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ”, chuyên gia phân tích năng lượng Alex Hodes từ StoneX cho biết.
Ngoài mục tiêu giành thị phần từ các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, OPEC+ cũng đang tìm cách trừng phạt các thành viên sản xuất vượt hạn ngạch.
Cũng theo báo chí quốc tế, Kazakhstan – một trong 10 quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là thành viên OPEC+, đã nâng sản lượng dầu trong tháng 6 lên mức cao kỷ lục.
Dữ liệu từ Kpler cũng cho thấy, Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng xuất khẩu dầu thô trong tháng 6 lên mức cao nhất trong vòng một năm.
“Lượng dầu xuất khẩu này đang tăng nhanh hơn cả mức trong thỏa thuận OPEC+ cho phép, đặc biệt trong mùa hè – thời điểm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng vọt và một phần nguồn cung cần được giữ lại để đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Hodes nhận định.
Tuệ Lâm (t/h)