Từ 4 – 5h sáng ngày 25/7, đông đảo nhân dân huyện Đông Anh và phụ cận đã cùng nhau hướng về Nhà văn hóa thôn Lại Đà để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người con thân thương của quê hương. Cùng với Lễ viếng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, lễ viếng được tổ chức tại quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội cũng được tổ chức trang trọng với nghi thức cao nhất.
Tại quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay từ sáng sớm, người dân đến dự lễ viếng đã được hướng dẫn gửi xe tại Trường Tiểu học Đông Hội và UBND xã Đông Hội, sau đó di chuyển lên xe điện để vào nơi tổ chức lễ viếng. Để bảo đảm an ninh, an toàn, nhân dân khi đến viếng trình theo căn cước công dân gắn chíp (hoặc điện thoại có cài đặt VNeID) để quét mã QR tại các chốt kiểm soát.
Ghi nhận của phóng viên, ở ngay đầu thôn Lại Đà, một màn hình LED được dựng ở sân Nhà văn hóa nhằm trình chiếu hình ảnh trực tiếp tại Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Trong không gian trang nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên, không ít người bật khóc, cúi đầu khi những hình ảnh trực tiếp tại Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia hiện lên trên màn hình.
Ở phía bên ngoài thôn, từng đoàn yên lặng nối đuôi nhau cùng hướng về khu vực Nhà văn hóa thôn Lại Đà. Trên khắp các đường thôn, ngõ xóm của thôn Lại Đà, không khí bao trùm sự tiếc thương, niềm tự hào, sự kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Công tác bảo đảm an ninh an toàn cho Lễ tang được các lực lượng vũ trang, lực lượng địa phương triển khai bài bản, khoa học. Do đó, dù số lượng người về viếng Tổng Bí thư tại quê nhà rất đông, song không có hiện tượng ùn tắc hay chen lấn. Tuyến đường từ cổng thôn Lại Đà đến Nhà văn hóa thôn đều có các trạm dừng nghỉ, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến viếng.
Trong dòng người xếp hàng chờ được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà huyện Đông Anh, người dân đã chia sẻ những câu chuyện về một vị lãnh đạo bình dị, luôn nêu gương, khiêm nhường, liêm khiết, chí công vô tư.
Ông Vương Khắc Duy (83 tuổi, thôn Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) được gia đình đẩy xe lăn tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, ngày trước ông học cùng trường với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng nay, ông đã dậy sớm chuẩn bị quần áo tối màu, cùng con cháu đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Cụ Nguyễn Văn Tuế (93 tuổi), nét mặt như thêm già xọm sau nỗi buồn đau mất mát. Cụ Tuế chia sẻ: Cả mấy đêm trước, cụ không thể ngủ được. Sau khi nhận được tin Tổng Bí thư qua đời, không chỉ cụ mà tất cả người dân Lại Đà đều vô cùng đau xót. Sáng sớm nay, dù đã yếu, nhưng từ 4h sáng, cụ Tuế đã một mình chống gậy ra khu vực tổ chức lễ viếng khi chưa có ai.
Nhớ những lần Tổng Bí thư về thăm Đông Hội, cụ Tuế cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi, giản dị. “Mỗi khi về quê, đến đầu cổng làng, Tổng Bí thư đều xuống xe và đi bộ, ghé qua nhà các cụ cao niên trong làng hỏi thăm sức khỏe mọi người”, cụ kể lại.
Chị Nguyễn Thị Thắm (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ 5h sáng, chị cùng người dân thôn Lại Đà xếp hàng ngay ngắn để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị cho biết, mặc dù chưa được nói chuyện trực tiếp với Tổng Bí thư, nhưng trong cảm nhận của người dân trong làng, Tổng Bí thư là người sống rất giản dị, chân thành với người dân thôn Lại Đà. “Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi, ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” – chị Thắm cho hay.
Cũng trong sáng nay, đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ tang, trong buổi sáng có hơn 30 đoàn đã đăng ký trước với Ban Tổ chức để vào viếng Tổng Bí thư tại quê nhà. Đây chủ yếu là các đoàn thể đơn vị trong huyện và địa bàn lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi đại diện đoàn thể vào viếng, sau hơn 8h dòng người xếp hàng chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục nhiều hơn. Đông đảo người dân tới để cùng tưởng nhớ, tri ân một con người đáng kính, chiêm nghiệm và lan tỏa những điều mà ông đã làm và làm gương để các thế hệ tiếp nối sống một cuộc đời sao cho thật xứng đáng.
Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, việc tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà thôn Lại Đà là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của chính quyền và người dân địa phương. Ngay sau khi có Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền và người dân nơi đây đã gấp rút chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện phục vụ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đúng nghi thức Lễ Quốc tang, đảm bảo trang trọng nhất, chu đáo nhất và đúng quy định, thể hiện sự thành kính, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quê hương Đông Anh đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay.
Tuấn Dũng