TMO – Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 vẫn nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong đó, căng thẳng địa chính trị giữa một số quốc gia leo thang đã đẩy giá vận tải, dịch vụ, tăng trở lại. Cùng với đó, những bất lợi trong cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ, châu Âu đang làm chậm lại tiến trình bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cạnh tranh thương mại – công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng là một trong những tác động rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước… trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%.
Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%. Trong Top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực hơn, với mức tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt 605 triệu USD, với 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm sâu 44% (chủ yếu giảm phân khúc cá phi le, trong khi cá nguyên con và bong bóng cá tra vẫn tăng). Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần cũng nhờ tăng mạnh cua sống phục vụ cho phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các chuyên gia VASEP, sự phục hồi chậm của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.
Theo đó, xuất khẩu cá tra không có diễn biến ổn định và rõ ràng. Khi thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, doanh nghiệp tập trung nhiều vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên thị trường này rất bất ổn, giá liên tục giảm. Tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp tiếp tục lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, tình hình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang gặp những khó khăn về giống, dịch bệnh và cả áp lực về vấn đề môi trường và cạnh tranh với một số loài cá khác như cá lóc tại Trung Quốc, cá minh thái tại Mỹ, EU…
Với mặt hàng tôm, các chuyên gia phân tích: Những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do lượng tồn kho đã giảm. Tuy nhiên, ở các thị trường lớn như Mỹ, EU…lạm phát vẫn cao khiến người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, do ảnh hưởng xung đột ở nhiều khu vực khiến cước vận chuyển đường biển tăng vọt gây thêm áp lực lên giá thành.
Ngay cả thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chịu sức ép lạm phát, tiêu thụ chậm, kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm giảm lần lượt 4% và 10%. Thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao khi tăng 41% nhưng từ nay đến cuối năm sẽ chịu cạnh tranh mạnh từ tôm Ấn Độ và Ecuador và Indonesia. Ngoài ra, vấn đề tồn kho kéo dài ảnh hưởng đến nhu cầu và giá nhập khẩu. Cụ thể, lượng thủy sản tồn kho ở các thị trường, bao gồm cả các mặt hàng như tôm, cá, surimi vẫn là một cản trở chính đối với chiến lược của các nhà kinh doanh nhập khẩu thủy sản trong năm nay. Việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập.
Trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường; trong đó cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Ngành thuỷ sản phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp cả nước. Ước tính, ngành thủy sản đóng góp 28% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu có thời điểm đã vượt qua 10 tỷ USD.
Trước bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngành thủy sản cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng là gỡ thẻ vàng IUU, các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát đội tàu. Doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệp hội ngành hàng tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thường xuyên cập nhật thông tin, nhu cầu thị trường để nông dân, ngư dân tổ chức sản xuất, khai thác hợp lý, hiệu quả.
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, cập nhật thông tin từ các thị trường đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Ngọc Mai