Tiến sĩ Hoàng Nguyễn Thự không chỉ là người tạo nền móng khoa bảng, gây dựng nền văn mà còn trở thành ông tổ họ Hoàng Đông Ngạc.
Vốn người làng Đông Bình xứ Kinh Bắc, sau lại an cư tại quê vợ làng Đông Ngạc (Hà Nội), Tiến sĩ Hoàng Nguyễn Thự không chỉ là người tạo nền móng khoa bảng, gây dựng nền văn mà còn trở thành ông tổ họ Hoàng Đông Ngạc.
Hoàng Nguyễn Thự, tự là Đông Hy, hiệu là Nghệ Điền, sinh năm Kỷ Tỵ (1749), là con trưởng đời thứ tám của dòng họ Hoàng ở Đông Bình, huyện Gia Bình (nay là thị trấn Đông Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông là con cụ Hoàng Đình Hân, làm quan tới chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thừa chính sứ xứ Tuyên Quang, kiêm thị Đông cung Thủ phiên Viện Thái y, tước Gia Diễn hầu.
Được thầy học mến tài gả con gái
Thuở nhỏ, Hoàng Nguyễn Thự theo học Hương cống Phạm Gia Huệ, người làng Đông Ngạc (làng Kẻ Vẽ), huyện Từ Liêm (nay thuộc Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1778, Hoàng Nguyễn Thự lấy bà Phạm Thị Hội, con gái thầy Phạm Gia Huệ.
Hoàng Nguyễn Thự đỗ Hương cống năm Giáp Ngọ (1774). Tuy nhiên khi thi Hội, cả hai kỳ vào năm Mậu Tuất (1778) và Tân Sửu (1781) ông đều chỉ trúng tam trường. Năm Ất Tỵ (1785), Hoàng Nguyễn Thự được bổ làm Huấn đạo ở Thượng Hồng rồi cùng năm đó ông được thăng Tri huyện Thanh Oai. Đến khoa thi Đinh Mùi (1787), Hoàng Nguyễn Thự đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đây là khoa thi cuối cùng của triều nhà Lê.
Như vậy, dưới thời Lê trung hưng, ngoài các khoa thi định kỳ, triều đình còn mở những khoa thi bất thường như khoa thi Vọng, khoa Đông các, khoa Hoành từ, khoa Tuyển cử (sử không ghi rõ chương trình của các khoa thi này). Tính từ khoa thi năm Giáp Dần (1554) đến khoa thi năm Đinh Mùi (1787), triều đình đã mở tổng cộng 73 khoa thi, lấy đỗ 772 tiến sĩ.
Hoàng Nguyễn Thự đỗ Tiến sĩ xong, chưa nhận quan chức thì xảy ra biến cố lịch sử khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc xóa bỏ triều Lê (1788). Lê Chiêu Thống sai người sang cầu cứu nhà Thanh, và tháng 11 năm 1788, Tôn Sĩ Nghị đưa 28 vạn quân sang xâm lược nước ta.
Vào trung tuần tháng 12 năm ấy, Nguyễn Huệ từ Phú Xuân tiến ra Bắc đánh đuổi quân Thanh. Cả Bắc Hà náo động trong cảnh loạn lạc. Gia đình Hoàng Nguyễn Thự phải trốn nạn ở thôn Cẩm Bào, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Sau khi nhà Hậu Lê sụp đổ, ông mang gia đình trốn về quê vợ ở làng Đông Ngạc. Kể từ đó, đất này trở thành quê hương của một chi họ Hoàng. Về sau Hoàng Nguyễn Thự được coi là tổ họ Hoàng ở làng Đông Ngạc.
Sau khi đánh tan quân Thanh, vương triều Tây Sơn được thiết lập, nhiều người đỗ đại khoa làm quan với triều Lê lần lượt được Tây Sơn mời ra làm việc. Hoàng Nguyễn Thự cũng nằm trong số đó.
Theo sách “Văn học thế kỷ 18”, đề mục “Hoàng Nguyễn Thự”, thì mãi đến tháng 2 năm Quý Sửu (1793), năm đầu niên hiệu Cảnh Thịnh, vì bị triệu đòi mãi ông phải vào Phú Xuân làm ở bộ Hình, sau thăng Hình bộ Tả thị lang, rồi Hiệp trấn Lạng Sơn, là một tỉnh trọng yếu ở biên giới phía Bắc. Năm 1801, ông bị bệnh mất tại Lạng Sơn. Thi hài ông được đưa về an táng tại Đông Ngạc quê vợ.
Tay không buông sách, tiền chỉ để mua giấy bút
Theo sách “Danh nhân Thăng Long – Hà Nội”: Con người Hoàng Nguyễn Thự khá tiêu biểu cho nhân cách của kẻ sĩ nhà nho thời xưa. Ông sống nghiêm nghị, cẩn trọng, ngay thẳng và đặc biệt có tinh thần hiếu học, theo phương châm Khổng Tử nêu lên là “học không chán”. Hình ảnh Hoàng Nguyễn Thự trong ký ức vợ ông – bà Phạm Thị Hội là hình ảnh một nhà nho mô phạm, đức độ, thanh bạch.
Bà từng kể lại với các con: “Cha con ngày trước có vẻ nghiêm nghị, tính người tĩnh trọng, ngày thường không bao giờ đùa cợt, quá trớn, mà đấy không phải là sự cố ý tỏ ra oai nghiêm hay khắc khổ gì đâu”. Và: “Cha con khi đã làm quan Hiệp trấn nhưng vẫn thanh bạch, lương tháng tiêu không dư đủ, mẹ phải hết sức cần kiệm…”.
Nhưng đẹp nhất vẫn là hình ảnh một Hoàng Nguyễn Thự ham học tập, say mê với sách vở, với tri thức: “Có tiền không giữ trong tay mà chỉ mua giấy bút”, “Khi đã làm tri huyện huyện Thanh Oai mà tay không buông quyển sách. Không đi chơi, không đùa vui. Sách vở của ông đầy bàn, đầy ghế”. Tiếc rằng những sách vở đó, theo lời bà Phạm Thị Hội kể, đã bị thiêu tán trong bốn, năm lần binh hỏa của cuộc tao loạn đương thời (Hoàng thị phả lược).
Năm 1785 dưới triều Lê Cảnh Hưng, do có đỗ Hương cống nên Hoàng Nguyễn Thự được bổ làm Huấn đạo, rồi thăng Tri huyện. Nhưng thời gian Hoàng Nguyễn Thự làm quan cho nhà Lê quá ngắn, có lẽ chưa được một năm, vì năm 1786 Tây Sơn ra Bắc lần thứ nhất, gây biến động lớn ở Bắc Hà. Sự nghiệp chính trị của Hoàng Nguyễn Thự chỉ thật sự bắt đầu từ khi ông làm quan với triều Tây Sơn (năm 1793), tức là năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thịnh, đời Nguyễn Quang Toản.
Trong 8 năm liên tục làm quan dưới triều Tây Sơn, ông luôn luôn tỏ ra là một người tận tụy với công việc, có trách nhiệm cao với nhân dân, đất nước. Là quan Thị lang hàm Chánh tam phẩm ở Hình bộ, một bộ chuyên xem xét việc hình phạt, Hoàng Nguyễn Thự đã thể hiện được những phẩm chất đáng kính trọng, như có đức công minh, tôn trọng sự thật, yêu thương con người…
Đạo đức, tài năng và những cống hiến của Hoàng Nguyễn Thự ở bộ Hình triều Tây Sơn đã được các quan cùng bộ đánh giá: “Quý hầu ta (tức Hoàng Nguyễn Thự) được mời vào kinh năm Quý Sửu, rồi thăng làm Tả thị lang (1795) ngài vâng mệnh đến thành này (Thăng Long) thi hành công vụ. Phàm các án tụng đều xét đoán hết. Chức phận đều thông, sự việc đều ổn. Sớm tối cậy nhờ, tả hữu giúp nhau…”.
Năm 1797, Hoàng Nguyễn Thự được triều đình Tây Sơn cử làm Hiệp trấn Lạng Sơn. Lạng Sơn là trấn trọng yếu, vì đây là đất biên giới giáp nước ta và Trung Quốc. Các đoàn sứ thần Việt Nam các đời khi sang Trung Quốc và các đoàn sứ thần Trung Quốc đến Việt Nam đều đi qua Lạng Sơn. Triều đình bao giờ cũng tuyển chọn người tài giỏi, có học vấn cao, có trí tuệ để bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn.
Khi Hoàng Nguyễn Thự chuẩn bị lên đường đi Lạng Sơn nhận chức, một số quan viên bộ Hình đã viết một bài văn tới chúc mừng ông, trong đó bày tỏ lòng tin tưởng của bạn bè đồng chức đối với ông. Họ nói: “Lạng Sơn là đất biên ải, ngoài việc là nơi ngựa xe bưu dịch ra, còn là nơi giao thông Nam Bắc xung yếu. Có sứ bộ thường xuyên sang Bắc quốc, đúng là nước văn hiến. Ân điển triều đình giáng xuống, thư từ giao thiệp vãng lai.
Các triều trước của nước ta thường xuyên tuyển chọn bậc hùng văn, đại bút cho ra làm Đốc trấn để lo việc ứng đối thù tiếp. Nay Quý hầu ta là người sớm đã thỏa chí tang bồng, khoa mục có đại danh, chính sự lại thêm ưu hạng, minh mẫn, tinh thông, nhanh nhẹn, cái gọi là bậc quân tử ở nơi biên quận thì biên quận trở nên quan trọng, có lẽ đến trấn nhậm thì thanh danh của ngài ắt sẽ vang động Hoa Hạ, chính tích của ngài ắt sẽ lừng lẫy gần xa…”, và: “Cũng nên mừng rằng triều ta đã chọn được người tài”.
Gây dựng kho báu nền văn cho con cháu
Hoàng Nguyễn Thự là vị quan Hiệp trấn Lạng Sơn cuối cùng của triều Tây Sơn. Ông giữ chức này liên tục từ năm 1797 tới năm 1801, khi ông qua đời, và năm sau thì triều Tây Sơn mất, triều Nguyễn thay thế.
Hoàng Nguyễn Thự không chỉ là một viên quan có tài, mà còn là một nhà thơ gắn bó với cuộc đời. Di cảo thơ văn Hoàng Nguyễn Thự để lại ngót 200 bài thơ chữ Hán và một số bài văn tế khóc mẹ, khóc em trai. Số thơ văn này được sao chép lại trong tập “Đông Bình Hoàng gia thi tập” và trong các tập gia phả của họ Hoàng.
Theo “Đông Hoàng gia phả”, tác phẩm thơ của Hoàng Nguyễn Thự để lại gồm có “Di thảo tập thượng” và “Di thảo tập hạ”. Trong đó, “Di thảo tập thượng” là thơ Hoàng Nguyễn Thự sáng tác vào thời kỳ ông làm Tri huyện Thanh Oai dưới triều Lê.
“Di thảo tập hạ” có tiêu đề là “Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập”, bao gồm những bài thơ Hoàng Nguyễn Thự viết vào thời gian ông ra làm quan với nhà Tây Sơn ở Phú Xuân. Thời gian Hoàng Nguyễn Thự làm Hiệp trấn Lạng Sơn không thấy có thơ ông để lại.
“Di thảo tập thượng” là tập thơ mà qua đó chúng ta thấy khá rõ chân dung tác giả cùng bối cảnh xã hội Bắc Hà vào những năm cuối của triều Lê. Trong thời gian này, Hoàng Nguyễn Thự có nhiều tâm trạng mâu thuẫn. Một mặt, ông muốn “lập thân”, kinh bang tế thế, để thỏa chí làm trai. Nhưng mặt khác vì phải mưu sinh, giúp đỡ gia đình nên đành phải làm một chức “quan hờ”.
Dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc tính từ Tiến sĩ Hoàng Nguyễn Thự trở đi, đã có nhiều nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng. Trong đó, có con trai ông là Hoàng Tế Mỹ (1795 – 1849), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), làm quan trải ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thăng tới Hữu tham tri bộ Binh, khi mất được truy tặng Thượng thư bộ Lễ. Trước khi mất, ngôi nhà của tổ tiên để lại được Tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ sửa khang trang để thờ cúng, cổng nhà thờ có đại tự “Đông Hoàng tổ miếu”, đến nay vẫn còn.
Con trai cả của Hoàng Tế Mỹ là Hoàng Tướng Hiệp (1835 – 1885) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1865), làm Án sát xứ Lạng Sơn rồi Tuần phủ Tuyên Quang (1877), sung tham tán quân vụ đại thần. Hoàng Tướng Hiệp là đồng niên, đồng tuế với Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Ông được vua Duy Tân truy tặng nhà theo kiến trúc Huế và cho chở ra Hà Nội theo đường thủy.
Hoàng Tăng Bí (1883 – 1940) là đời thứ 5 của gia tộc họ Hoàng ở Đông Ngạc, tính từ cụ tổ Hoàng Nguyễn Thự. Ông đỗ Phó bảng, là một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông cũng là thân phụ Giáo sư Hoàng Minh Giám – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1947 – 1954), rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954 – 1976).
Ngoài ra, họ Hoàng làng Đông Ngạc còn những trí thức nổi tiếng, như Hoàng Tích Trí – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam Hoàng Thị Nga; nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới có GS.TS Hoàng Vĩnh Giang, GS.TS Hoàng Thủy Nguyên, GS.TS Hoàng Thủy Long…
Nhà thờ tổ họ Hoàng làng Đông Ngạc được xây dựng từ năm 1886 hầu như giữ được nguyên trạng kết cấu kiến trúc và các di vật. Trước nhà thờ có vườn hoa, bức tường có cuốn thư. Tiếp nối truyền thống hiếu học của tiền nhân, con cháu họ Hoàng làng Đông Ngạc ngày nay đạt được nhiều thành tích đáng nể trong học tập và công việc. Những năm qua, họ Hoàng rất quan tâm đến phong trào khuyến học. Nhiều con cháu công thành danh toại, dù ở xa vẫn không quên nguồn cội xưa.
Trần Siêu