Theo UNESCO, 90% diện tích đất trên Trái Đất có thể bị suy thoái vào năm 2050, tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng cho đa dạng sinh học và cuộc sống con người.
Suy thoái đất là hiện tượng đất bị mất đi các chức năng sinh thái, hóa, lý và sinh học do tác động tiêu cực của con người. Suy thoái đất có thể gây ra giảm năng suất cây trồng, mất đa dạng sinh học, tăng nguy cơ lũ lụt và hạn hán, sa mạc hóa, suy giảm chất lượng nước.
Nhằm ứng phó với tình trạng suy thoái đất đang ngày càng gia tăng, UNESCO cùng Cơ quan Quốc gia về Phát triển các khu vực ốc đảo và Argan (ANDZOA) đã đồng tổ chức hội nghị quốc tế về đất vào ngày 1/7 tại Agadir (Ma-rốc). Hội nghị quy tụ các chuyên gia và đại diện từ hơn 30 quốc gia, cùng nhau thảo luận và đưa ra kế hoạch hành động thiết thực nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất quý giá. Hiện UNESCO cũng đang triển khai các biện pháp nhằm lấp đầy lỗ hổng kiến thức khoa học trong lĩnh vực này.
Đất đai đóng vai trò thiết yếu trong duy trì hệ sinh thái và đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, sản xuất lương thực và lọc nước. Tuy nhiên, báo cáo đáng lo ngại từ Bản đồ sa mạc hóa thế giới cho thấy 75% diện tích đất trên Trái Đất đã bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến 3,2 tỷ người. Nếu xu hướng này tiếp diễn, con số này dự kiến sẽ tăng lên 90% vào năm 2050.
Nhằm góp phần bảo vệ đất đai hiệu quả hơn, UNESCO sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để phát triển “Chỉ số sức khỏe đất thế giới”. Đây sẽ là công cụ đo lường tiêu chuẩn, giúp đánh giá và so sánh chất lượng đất ở các khu vực và hệ sinh thái khác nhau trên toàn cầu. Chỉ số này cung cấp tình trạng sức khỏe đất theo thời gian, xác định xu hướng suy thoái hoặc cải thiện và đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý đất đang được áp dụng.
Bên cạnh phát triển “Chỉ số sức khỏe đất thế giới”, UNESCO sẽ thực hiện chương trình thí điểm về quản lý bền vững đất và cảnh quan. Chương trình này sẽ được triển khai tại 10 khu vực tự nhiên nằm trong mạng lưới khu dự trữ sinh quyển của UNESCO trên toàn cầu.
UNESCO sẽ cung cấp chương trình đào tạo cho các nhà quản lý địa điểm, cán bộ cơ quan chính phủ, tổ chức bảo tồn và cộng đồng bản địa. Qua đó, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên đất hiệu quả. Đồng thời tổ chức sẽ triển khai các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ vào các hoạt động bảo vệ đất.
Vĩnh Hải (T/h)