Tỷ giá USD hôm nay (7/7), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên, hiện ở mức 25.116 đồng.
Tỷ giá USD trong nước hôm nay
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 25.116 đồng.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.911 đồng – 26.321 đồng.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng lập đỉnh. Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 25.990 đồng, bán ra 26.350 đồng, tăng 50 đồng mỗi USD so với đầu tuần.
Các ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank, BIDV, ACB cũng đồng loạt giao dịch giá USD ở mức đỉnh, khoảng 26.000 đồng/USD chiều mua vào và 26.350 đồng/USD chiều bán ra. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đã tăng hơn 3%.
Trên thị trường “chợ đen”, tỷ giá USD/VNĐ “chợ đen” tăng 50 đồng cả hai chiều so với phiên trước, hiện niêm yết quanh mốc 26.420 – 26.520 đồng/USD.
Dự báo tỷ giá cho thấy mức tăng khoảng 3% từ đầu năm đến nay, phản ánh tình hình kinh tế hiện tại. Theo các chuyên gia, sự biến động này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong thời gian tới.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank nhận định tỷ giá USD/VND vẫn đang chịu áp lực nhưng kỳ vọng sớm bình ổn là có cơ sở. Nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam thể hiện qua thặng dư thương mại và dòng vốn FDI tích cực trong 5 tháng đầu năm đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn cung USD.
Tương tự, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng mặc dù chỉ số sức mạnh của đồng USD đã hạ nhiệt, tâm lý đầu cơ USD của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước vẫn tồn tại, do xu hướng tìm đến tài sản an toàn. Tuy nhiên, tâm lý này mang tính ngắn hạn, chủ yếu diễn ra trong bối cảnh chưa có kết quả cuối cùng về đàm phán thuế quan.
VCBS nhận định tỷ giá sẽ có cơ hội hạ nhiệt rõ rệt hơn khi Việt Nam tiếp tục duy trì nền tảng kinh tế ổn định, dòng vốn FDI đăng ký tăng trưởng mạnh và căng thẳng thương mại quốc tế đã có dấu hiệu dịu bớt so với các giai đoạn trước.
Dự đoán xu hướng đồng USD trong tuần này
Chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 96,99.
Trong tuần qua, chỉ số DXY đã giảm 0,2%, dao động quanh mức 96.8 – 97.0, đánh dấu tuần suy yếu thứ hai liên tiếp. Nguyên nhân chính đến từ kỳ vọng ngày càng gia tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong bối cảnh áp lực kinh tế trong nước gia tăng và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc Fed xoay trục sang chính sách tiền tệ ôn hòa đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.
Bên cạnh yếu tố tiền tệ, các rủi ro tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng. Thị trường lo ngại kế hoạch cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu dưới thời chính quyền Trump có thể làm thâm hụt ngân sách Mỹ vượt xa dự báo, thậm chí đẩy nợ công vượt ngưỡng bền vững. Việc chi tiêu tăng nhanh mà không đi kèm nguồn thu bổ sung khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng tài chính dài hạn của Mỹ, từ đó làm suy yếu niềm tin vào đồng bạc xanh.
Ngoài ra, tình hình thương mại quốc tế cũng góp phần gia tăng áp lực lên đồng USD. Nguy cơ bùng phát căng thẳng thương mại khi chính quyền Mỹ đe dọa áp thuế mới vào ngày 9/7 cũng khiến thị trường trở nên bất ổn, làm gia tăng nhu cầu trú ẩn vào các tài sản như vàng, EUR và yên Nhật. Các đồng tiền đối trọng này đồng loạt tăng giá trong tuần, kéo chỉ số DXY giảm thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Mặc dù báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ công bố vào cuối tuần cho thấy số việc làm mới đạt 147.000, vượt kỳ vọng thị trường, song con số này không đủ mạnh để xoay chuyển xu hướng giảm của USD. Áp lực từ kỳ vọng nới lỏng tiền tệ, lo ngại tài khóa và rủi ro thương mại vẫn chiếm ưu thế.
Trong tuần tới, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm, khi thị trường tiếp tục theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ của Fed, tình hình tài khóa trong nước và căng thẳng thương mại quốc tế. Giới phân tích nhận định khả năng Fed sẽ tiến gần hơn đến quyết định cắt giảm lãi suất, nhất là khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nếu Fed phát tín hiệu mềm mỏng hơn trong các bài phát biểu sắp tới, đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy yếu.
Tuệ Lâm (t/h)