Ngày 8/9, tại Hà Nội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”.
Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đã có những biến đổi sâu sắc. Phát triển và hiện đại hóa nông thôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng, thể hiện rõ nhất qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nông thôn Việt Nam còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng giảm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập. Chất lượng lao động nông thôn còn hạn chế. Năng suất lao động và thu nhập bình quân của nông thôn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị…
Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là xây dựng nông thôn. Cùng với đó, phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Trong bối cảnh hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác định việc triển khai các đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm bổ sung cập nhật những luận điểm và bằng chứng khoa học, thực hiện góp phần triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW là nhiệm vụ rất cần thiết và có ý nghĩa.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh mong muốn, kết quả của Hội thảo không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay; góp phần triển khai thực hiện quá trình thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chia sẻ quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn là quá trình phức tạp và đa dạng, liên quan đến các yếu tố truyền thống cũng như các yếu tố hiện đại, vừa mang tính quy luật tất yếu vừa thể hiện những đặc thù riêng. Việc nghiên cứu, nắm bắt thực trạng, xu hướng biến đổi và những yếu tố liên quan đến các vấn đề về cơ cấu xã hội nông thôn ở Việt Nam không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Ngoài ra, việc nghiên cứu, phân tích thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam qua các khía cạnh cơ bản như: dân số, lao động việc làm, đất đai, đời sống kinh tế, thu nhập, văn hóa, hôn nhân, gia đình, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự… là cần thiết và có ý nghĩa. Từ đó, có thể nhìn nhận, tổng kết, đánh giá về quá trình xây dựng phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, chỉ ra những khía cạnh tích cực, nhưng điểm còn hạn chế bất cập cũng như các yếu tố tác động. Kết quả của hội thảo không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm mà còn đề xuất các giải pháp, khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, góp phần triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Chia sẻ về tác động của thay đổi trong cấu trúc xã hội nông thôn và phát triển nông nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cấu trúc xã hội nông thôn nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quan hệ đất đai. Đồng thời, quan hệ đất đai là yếu tố cơ bản chi phối sự phát triển của nông nghiệp. Do đó, bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, ngày càng nhiều người dân chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp, di cư vào các đô thị. Bản thân nông nghiệp cũng từng bước được công nghiệp hóa; từ đó, ngày càng nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…; xu hướng này cần được ủng hộ.
Trao đổi về cơ cấu xã hội và sự hài lòng của người dân nông thôn về các vấn đề trong cuộc sống, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những biến đổi xã hội trong khu vực nông thôn hiện nay là quy luật tất yếu của sự phát triển và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những biến đổi đó sẽ tiếp tục diễn ra nhanh và sâu rộng hơn trong thời gian tới, làm thay đổi đặc điểm và cơ cấu xã hội nông thôn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu về nhu cầu, và mong đợi của người dân nông thôn hiện nay chính là cơ sở khoa học cho các giải pháp nhằm cải thiện đời sống sinh kế, môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội, đảm bảo sự hài lòng của người dân nông thôn. Đây cũng là phương thức nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu xã hội nông thôn trong những năm tiếp theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận kết quả về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam qua các khía cạnh cơ bản như: dân số, lao động việc làm, đất đai, đời sống kinh tế, thu nhập, văn hóa, hôn nhân, gia đình, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự…. Từ đó, các đại biểu nhìn nhận, tổng kết, đánh giá về quá trình xây dựng phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, chỉ ra những khía cạnh tích cực, điểm còn hạn chế bất cập, các yếu tố tác động trong tương lai.
Lý Thanh Hương