Chiều ngày 25/7, người dân từ nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục đổ về Hà Nội, xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia và quê hương Tổng Bí thư.
Niềm yêu thương, kính trọng vượt biên giới
Hòa vào dòng người xếp hàng tại đoạn giao giữa đường Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tông, Maysa – nữ du học sinh 22 tuổi, đến từ đất nước Lào, liên tục đưa tay lau mồ hôi, ánh mắt đượm buồn hướng về lối vào Nhà tang lễ Quốc gia.
Maysa cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhân dân Lào rất yêu mến, bởi ông đã giúp đỡ, góp phần quan trọng trong việc tăng cường, vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Lào.
Theo Maysa, nắm được lịch trình tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô đi xe máy từ Quảng Ninh lên Hà Nội để tiễn biệt Tổng Bí thư. Bản thân cô thấy hồi hộp và tự hào khi đứng xếp hàng cùng người dân Việt Nam tại đây.
“Khi còn sống, Tổng Bí thư đã hỗ trợ nhân dân Lào rất nhiều. Khi bác mất, tôi và những người dân ở Lào đều rất buồn và thương tiếc”, Maysa chia sẻ. Cô cũng cho biết, đất nước Lào cũng để Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày.
Nữ du học sinh chia sẻ, bản thân nhớ nhất 2 câu nói của Tổng Bí thư: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Là một du học sinh, sinh sống và học tập ở Việt Nam 5 năm, Maysa mong muốn truyền tải những thông điệp tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Lào ngày càng tốt đẹp.
Tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, cô bé Phạm Elizabeth cũng đứng xếp hàng chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được biết, Elizabeth năm nay 6 tuổi, sống ở Ý, về Việt Nam chơi và được mẹ đưa đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mẹ của bé Elizabeth cho hay, dù sinh sống ở xứ người, nhưng cô bé luôn được ông, bà, bố mẹ giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về những việc làm tốt đẹp mà Tổng Bí thư đã làm cho đất nước. Chính vì vậy, bé Elizabeth rất yêu quý bác, dù thời tiết nắng nóng, mồ hôi đổ rất nhiều, nhưng bé vẫn muốn chờ để được vào viếng Tổng Bí thư.
Nghẹn ngào tiếc thương
Cùng với người dân Thủ đô, trong ngày 25/7, nhiều người dân từ các thành phố khác cũng đã tới Hà Nội để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đưa tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, ông Nguyễn Sông Thao (78 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ông rất thương Tổng Bí thư, một nhà lãnh đạo giản dị, tận tụy, làm việc đến những giây phút cuối cùng của đời mình cho đất nước. Những việc Tổng Bí thư đã làm, người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ và nhắc nhở mình phải noi theo tấm gương của người.
Chị Bình (con gái ông Thao) cho biết, ông Thao có thời gian tham gia chiến trường, nên rất ngưỡng mộ, quý mến những người cộng sản có đạo đức cách mạng cao đẹp, làm việc vì dân, vì nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Bố tôi đã 78 tuổi, không còn nhanh nhẹn, minh mẫn, nhưng cứ nằng nặc đòi các con cho ra Hà Nội để viếng bác Trọng. Sau đó, cháu dâu và chị đã quyết định cùng bố thực hiện nguyện vọng”, chị Bình chia sẻ.
Còn bà Lê Thị Nhung (hơn 80 tuổi), bắt xe buýt từ Láng Thượng, Đống Đa đến Nhà tang lễ Quốc gia lúc 6h sáng để mong được vào thắp hương cho Tổng Bí thư. Cầm trên tay những tờ báo có bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nhung rưng rưng nói: “Tôi vô cùng tiếc thương ông. Sáng nay, tôi tranh thủ đi mua một số báo có hình ảnh của ông, cầm theo để vào tiễn đưa ông lần cuối”.
Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), ông Phạm Văn Sỹ (79 tuổi, cựu chiến binh quê Hà Nam), dù mất 1 chân, vẫn quyết tâm chống nạng tới viếng Tổng Bí thư. Ông Sỹ không giấu được cảm xúc tiếc thương người cộng sản kiên trung.
Ông cho biết, thường xuyên theo dõi hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua báo đài. Ông vô cùng ngưỡng mộ tài năng, cũng như phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, trọn đời làm việc vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù đi lại khó khăn, nhưng ông Sỹ quyết tâm cùng gia đình tới tiễn biệt Tổng Bí thư để bày tỏ niềm tiếc thương đối với ông.
“Khi nghe tin Tổng Bí thư mất, tôi đau xót vô cùng, không thiết ăn uống, chỉ đợi đến hôm nay về quê nhà viếng ông. Tôi bồi hồi từ sáng, trằn trọc không ngủ được, chỉ muốn nhanh đến tiễn biệt Tổng Bí thư đoạn đường cuối”, ông Sỹ nói.
Cùng tâm trạng đau xót, tiếc thương, cụ Nguyễn Văn Tuế (93 tuổi, người dân thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh) chia sẻ: Cả mấy đêm trước, cụ không thể ngủ được. Sau khi nhận được tin Tổng Bí thư qua đời, không chỉ cụ mà tất cả người dân Lại Đà đều vô cùng đau xót. Sáng sớm nay, dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng từ 4h sáng, cụ Tuế đã một mình chống gậy ra khu vực tổ chức tang lễ Tổng Bí thư.