Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã trải qua một hành trình dài 19 năm, từ một “cuộc chơi” nhỏ của những nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi vào năm 2000, đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên quan trọng của Thủ đô. Quy mô và chất lượng của Triển lãm ngày càng được nâng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội
Sáng 23/9, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 19 năm 2024 với chủ đề “Hà Nội vươn mình bứt phá”.
Đến dự Triển lãm có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; PGS.TS Đỗ Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía thành phố Hà Nội có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Huy Cường; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng.
Đến dự Triển lãm còn có đại diện sở, ban, ngành, các cơ quan quản lý báo chí, các đồng nghiệp báo chí Trung ương, Hà Nội và địa phương.
Theo ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm, Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2024 đánh dấu năm thứ 19 của sự kiện văn hóa đặc sắc này, tiếp tục diễn ra tại không gian quen thuộc: Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm đã trở thành điểm hẹn văn hóa gắn liền với mùa Thu Hà Nội, khi heo may dịu dàng về trên phố, nắng vàng như rót mật lối đi, và hương cốm mới thoang thoảng hòa quyện trong nhịp thở bình yên của đất trời.
Năm 2024 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này trong việc nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển của Thủ đô, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội.
Với chủ đề “Hà Nội vươn mình bứt phá”, Triển lãm năm nay giới thiệu tới công chúng 80 bức ảnh sinh động, là những thước phim tư liệu quý giá ghi lại những thời khắc lịch sử, những cột mốc đáng nhớ và thành tựu rực rỡ của Hà Nội sau 70 năm giải phóng. Triển lãm được chia làm 3 phần: “Hà Nội – Thủ đô anh hùng”, “Hà Nội trên đường đổi mới”, và “Hà Nội bứt phá hôm nay”.
Phần “Hà Nội – Thủ đô anh hùng” tập trung vào giai đoạn từ ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến năm 1975, với những hình ảnh tư liệu ghi lại những năm tháng hào hùng và những mốc son lịch sử. Đặc biệt, triển lãm trưng bày những tác phẩm về thời khắc ngày 10/10/1954, khi hàng vạn người dân Hà Nội đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng, cũng như những hình ảnh về tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Phần “Hà Nội trên đường đổi mới” tập trung vào giai đoạn từ 1975 đến 2008, trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Các tác phẩm trong phần này ghi lại không khí hân hoan của lễ mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại quảng trường Cách mạng tháng Tám ngày 1/5/1975, cũng như quá trình đổi mới và phát triển của Hà Nội trong những năm sau đó.
Phần cuối cùng, “Hà Nội bứt phá hôm nay”, mang đến hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại với diện mạo phát triển vượt bậc về hạ tầng đô thị. Triển lãm cũng giới thiệu Hà Nội như một thành phố vì hòa bình, điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế, và nơi phát triển các không gian sáng tạo, khẳng định vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và nghệ sĩ nhiếp ảnh
Chia sẻ về Triển lãm, du khách Marita Crombie đến từ Scotland, Anh cho biết: “Tôi thực sự bị thu hút bởi bức ảnh có tựa đề Sân khấu hầu đồng của nhiếp ảnh gia Đỗ Thị Bích Hải. Bức ảnh thể hiện đầy đủ nền văn hóa Việt Nam tới từng chi tiết nhỏ, và khác biệt hẳn so với văn hóa phương Tây của chúng tôi. Trung tâm của bức ảnh là ba người phụ nữ trong trang phục lỗng lẫy, hóa thân thành các “Mẫu”, xung quanh là những người “con” của bà, người thì múa quạt, người thì dâng lễ. Trên sân khấu là những mô hình chim Phượng hoàng bay trên những đám mây thể hiện rõ nét đặc trưng nền văn hóa đặc sắc của các bạn. Tôi cũng thích chi tiết mô phỏng hoa sen trên áo của nhân vật trong ảnh. Tình cờ tôi cũng vừa mua một chiếc áo có họa tiết như vậy làm quà kỷ niệm của chuyến du lịch đáng nhớ tới Hà Nội lần này”.
Trong khi đó, Jeanette Freudiger đến từ Thụy Sĩ nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Hà Nội, và Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm đến đầu tiên trong lịch trình. Thực sự thú vị vì được ghé thăm triển lãm “Hà Nội trong tôi” một cách tình cờ. Tôi cảm thấy yêu thích bức ảnh sông Hồng nhìn từ trên cao của Phạm Hùng. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao dòng sông nổi tiếng chảy trong lòng thành phố của các bạn có tên gọi như vậy, màu đỏ phù sa của dòng sông rất đặc trưng. Nó nổi bật trên nền xanh ngắt của rất nhiều cây cối. Dọc theo bờ sông là Hà Nội, với những ngôi nhà nhỏ mọc lên san sát, rất đặc trưng và thú vị”.
Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã trải qua một hành trình dài 19 năm, từ một “cuộc chơi” nhỏ của những nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi vào năm 2000, đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên quan trọng của Thủ đô. Quy mô và chất lượng của triển lãm ngày càng được nâng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Triển lãm không chỉ là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, mà còn là diễn đàn để tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2024, Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 10/10, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau đó sẽ được trưng bày tại ga Cát Linh. Điều này cho thấy sự lan tỏa ngày càng rộng rãi của sự kiện, đồng thời thể hiện mong muốn của Ban Tổ chức trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Qua 19 năm tổ chức, triển lãm “Hà Nội trong tôi” đã trở thành nơi quy tụ những tác phẩm đẹp nhất, chất lượng nhất của các thành viên trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội và các phóng viên, cộng tác viên của Báo Kinh tế & Đô thị. Triển lãm không chỉ là nơi thể hiện tình yêu sâu sắc với Hà Nội mà còn là cách để đồng hành cùng sự phát triển bền vững của Thủ đô, quảng bá và lan tỏa hình ảnh Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” tới bạn bè và du khách gần xa.
Phương Bùi