Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cô gái 28 tuổi (Hưng Yên) nặng 102kg. Bệnh nhân rơi vào trầm cảm nặng vì những lời kỳ thị ngoại hình.

TS.BS Bùi Thanh Phúc – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, với chỉ số BMI = 39, bệnh nhân N.T.D được chẩn đoán béo phì nặng, vượt xa ngưỡng BMI bình thường của người châu Á (dưới 23).
Hậu quả là cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, tăng nguy cơ bệnh tim mạch; Thoái hóa khớp, đặc biệt là hai đầu gối đau nhức, đi lại khó khăn; Vận động hạn chế, không thể tập thể dục, chạy bộ. Sau nhiều lần áp dụng phương pháp điều trị nội khoa nhưng thất bại, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, điều trị bệnh béo phì là một liệu trình toàn diện cả chế độ sinh hoạt, từ nội khoa đến tâm lý và ngoại khoa.
Do đó, có nhiều phương pháp được áp dụng để giảm béo. Trong đó, cần tăng cường tiêu hao năng lượng. Thực tế, việc tập thể dục, thể thao giúp đốt cháy năng lượng nhưng lượng tiêu hao thường không đáng kể. Do đó, chỉ dựa vào hoạt động thể chất để điều trị béo phì là rất khó khăn.
Người béo phì còn cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể, đặc biệt là thực phẩm giàu năng lượng như tinh bột và chất béo, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, đây là một thử thách lớn đối với người béo phì, đòi hỏi sự kiên trì và thay đổi thói quen ăn uống.
Hiện nay, có một số loại thuốc giảm béo đã được kiểm chứng và cấp phép nhưng số lượng rất hạn chế do tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc sử dụng thuốc cần được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh các sản phẩm trôi nổi trên thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.