Giữa trời thu tháng Tám, du khách đến Buôn Ma Thuột được đắm mình trong tiếng chiêng rộn rã, ngân vang từ Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024.
Mỗi bài chiêng, nhịp xoang được các nghệ nhân, diễn viên trình diễn là những câu chuyện kể về đời sống tinh thần phong phú, giàu sắc thái của cộng đồng người Êđê, J’rai, M’nông và Xê Đăng bản xứ.
Hiện ra trong không gian ấy là dòng chảy văn hóa nối quá khứ với hiện tại của mỗi tộc người tại chỗ, giúp người thưởng lãm hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của chủ nhân di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đến với liên hoan, những chủ nhân ấy bày tỏ niềm tự hào khi phong tục, tín ngưỡng của dân tộc mình đến nay vẫn được cộng đồng gìn giữ, trân quý như sức mạnh nội sinh tiềm tàng, đủ sức nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng hòa nhập và vươn lên trước đời sống hôm nay.
Tiếng chiêng trong bất kỳ nghi lễ nào cũng là sợi dây kết nối, thông đạt giữa con người với vạn vật, thần linh. Do vậy đánh chiêng không chỉ để phô diễn loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ xưa ấy, mà đó còn là “trợ lực” hữu hình giúp mỗi cá nhân, cộng đồng tìm thấy sức mạnh để nhận lãnh trách nhiệm của mình trước mọi hoàn cảnh của đời sống đặt ra.
Nghệ nhân người J’rai – Nay Y Khen (buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) tâm sự rằng: “Tiếng chiêng người J’rai luôn gắn bó mật thiết với đời người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi trở về với đất. Tại liên hoan cồng chiêng lần này, chúng tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện vòng đời. Lúc sinh ra thì tiếng chiêng thổi tai, đeo còng cho đứa trẻ như một chứng thực trước bảy tầng trời. Đến khi trưởng thành – 17 tuổi, tiếng chiêng lại giúp cộng đồng tháo còng ra để thằng Y Yôk Ksor (nhân vật chính trong lễ tháo còng) tự lập và tạo dựng tương lai cho mình. Người lớn, trẻ nhỏ nghe lời chiêng là biết để đến chúc mừng và uống rượu. Cứ thế, hễ còn nghi lễ là còn tiếng chiêng…”.
Với người Êđê ở huyện Cư M’gar, dàn chiêng Knah luôn có mặt trang trọng trong nghi lễ cúng sức khỏe cho mỗi thành viên/gia đình từ xưa đến nay.
Nghệ nhân Y Doan Mjao (buôn T’ria, xã Ea Tul) nói rằng: “Lễ cúng này là một trong những nghi thức quan trọng đối với mọi người trong đời sống, được cộng đồng duy trì và gìn giữ như thiết chế văn hóa bền chặt nhằm cố kết sức mạnh nội tại trong các buôn làng. Sức mạnh ấy đến từ sự chia sẻ, cộng cảm của những người xung quanh và sự che chở, bảo bọc của yàng. Bởi vậy trong nghi lễ nhất thiết phải có những bài chiêng Drông tuê (đón khách) và Drông yang (gọi yàng). Bảy chiếc chiêng Knah trong tay bảy nghệ nhân – lúc dồn dập, thúc giục, lúc trầm hùng, ngân nga là “thông điệp” để mọi người nhận biết và thực hành nghi thức buổi lễ”.
Bà H’Blim Kbuôr (buôn T’ria, xã Ea Tul) chia sẻ: “Chúng tôi mang đến cuộc liên hoan lời chiêng trong Lễ cúng sức khỏe của người Êđê là để cầu mong cho những ai tham dự thụ hưởng và lan tỏa sự cộng cảm, cố kết sức mạnh cộng đồng, cũng như mối đoàn kết rộng rãi giữa chủ thể và khách thể. Vì thế trên nền chiêng đón khách hay gọi Yàng mới có điệu múa klum púh (sum họp, vui vầy) để mọi người cùng nhau hòa nhập”. Quả đúng như vậy, điệu múa này đã cuốn hút du khách gần xa tham gia trong buổi lễ, tạo nên vòng xoang nối dài thêm mãi.
Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm nhận xét: Tiếng chiêng gắn với các lễ hội truyền thống của mỗi tộc người bản địa trở nên có ý nghĩa hơn. Ở đó, lời chiêng đã kể cho mọi người nghe câu chuyện về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng một cách cuốn hút, chân thực và sinh động hơn; qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và thấm đẫm cốt cách, tinh thần của một di sản được thế giới tôn vinh.
Đình Đối