TMO – Đến nay Việt Nam đã có 12 mặt hàng rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các mặt hàng thời gian tới có thể xuất khẩu sang thị trường này là dừa tươi, sầu riêng đông lạnh,…
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao. Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần các mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của mình tại thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, kim ngạch thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 15,53 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD (tăng 16,4% so với năm 2022) nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD (giảm 9,7% so với năm 2022). Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến thời điểm hiện tại, hai Bên đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ/Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước, đây thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực của hai bên. Hiện đã có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, có 12 mặt hàng rau quả gồm: Dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Đáng chú ý, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, gia cầm… là danh sách nối dài có thể được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Nông sản Việt Nam lại có thêm cơ hội thu thêm nhiều tỷ USD từ thị trường này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tới đây hai bên sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai Bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, hai Bên sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 02 văn kiện này. Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ giao các cơ quan kỹ thuật xem xét và sớm xử lý hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Hơn 2 năm qua, trong nỗ lực xúc tiến mở cửa thị trường cho quả dừa tươi, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã bàn rất sâu với các cơ quan chuyên môn của Trung Quốc về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quản lý sâu bệnh gây hại, các biện pháp quản lý về chất lượng và an toàn của quả, cũng như bao bì sản phẩm. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, đến nay, hai bên đã đạt được thỏa thuận về mặt kỹ thuật và ký kết Nghị định thư Việc thúc đẩy ký kết nghị định thư về quả dừa tươi là một trong những đổi mới Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam. Điều này minh chứng hai bên đạt được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, trong quá trình triển khai thực hiện kỹ thuật thương mại và xuất khẩu, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao vấn đề pháp lý để ký kết ở mức nghị định thương mại trong thời gian tới.
Thời gian qua, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong đó, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang chiếm gần 40% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, đưa Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Dự báo thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được dự báo tiếp tục được khơi thông tại thị trường Trung Quốc. Cùng với việc các địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn cung chất lượng, tăng cường chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ngành hàng này kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng thì việc giữ ổn định chất lượng và giám sát chất lượng trở nên vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh quản lý tốt chất lượng hàng xuất khẩu, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, Việt Nam nên xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số ngành hàng/nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại.
Các địa phương Việt Nam nên tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy. Ngoài ra, cần xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh nông sản Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm lượng khách hàng lớn và đa dạng.
Lê Bảo