Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần lượt trả lời chất vấn trước Quốc hội. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sáng 11/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.
3 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn
“Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của mỗi kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, trong 2 ngày, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 3 bộ trưởng, trưởng ngành.
3 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội là: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn”, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải tạo sự bứt phá trong năm 2024 và năm 2025, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp hiệu quả nhất.
“Đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước Nhân dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với ý chí, niềm tin vào tương lai phát triển mạnh mẽ của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
“Hỏi nhanh, đáp gọn”
Thực hiện quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn tại kỳ họp 8 tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lượt, chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu chỉ nên tập trung vào 1 đến 2 vấn đề tâm đắc nhất.
“Mỗi lần phát biểu, đại biểu nêu 1 vấn đề thì tốt nhất, như vậy sẽ có nhiều đại biểu được chất vấn và tạo điều kiện cho các bộ trưởng, trưởng ngành thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm”, ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý người hỏi không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó. Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.
Ông Trần Thanh Mẫn tin các đại biểu Quốc hội với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực này, với các nội dung về: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
“Chia lửa” với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, bao gồm việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường… cũng là nội dung được chất vấn.
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Y tế còn có phần giải trình làm rõ các vấn đề liên quan của Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng.
Sáng 12/11, nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông sẽ được đem ra chất vấn với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… cũng thuộc nhóm vấn đề sẽ được chất vấn.
Chia lửa với Bộ trưởng Hùng có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Hương Giang