Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng giả danh cán bộ đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm để lừa đảo. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là giả danh cơ quan chức năng, yêu cầu chủ các cơ sở nếu muốn không bị kiểm tra thì chuyển tiền để lừa đảo chiếm đoạt…
Mới đây, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhận được các cuộc gọi, tin nhắn qua zalo gửi kèm theo Quyết định số 115/QĐ-SYT ngày 1/10/2024 của Sở Y tế, ký tên Phó Giám đốc Trần Thành Tuấn, về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và hẹn thời gian làm việc cùng các chủ cơ sở.
Đây là hình thức mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Sóc Trăng đã có công văn cảnh báo hoạt động lừa đảo trong kiểm tra an toàn thực phẩm, đồng thời khẳng định không ban hành quyết định nêu trên, các nội dung trong quyết định là không chính xác.
Trước đó, Sở Y tế các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Trị, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Quảng Ninh, Long An… đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng mạo danh đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm để lừa đảo.
Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là gọi điện thoại, kết bạn zalo để gửi một số tài liệu mạo danh Sở Y tế ký ban hành đến các cơ sở kinh doanh như quyết định và thông báo về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Thậm chí, để tạo niềm tin cho chủ cơ sở, các đối tượng đã lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của cơ quan Nhà nước để cắt ghép, nhưng nếu đọc kỹ văn bản sẽ dễ nhận ra là giả mạo do có nhiều lỗi chính tả và sai chức danh người ký ban hành.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 ngày cuối tháng 9/2024, Công an Thành phố đã ghi nhận một số đối tượng lừa đảo sử dụng phương thức công nghệ cao để gọi điện thoại cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các đối tượng này đề nghị kết bạn qua mạng xã hội zalo để thông báo có đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định, đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội giả danh cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền để “lo lót” với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo này, nếu nhận được thông báo như trên hãy liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ cuối năm 2023, UBND Thành phố đã công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm, đây là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm…
Từ năm 2024 trở đi, Thanh tra Sở Y tế không còn chức năng thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, thông tin trên là lừa đảo.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sóc Trăng, đây là hình thức mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đều có cùng thủ đoạn là tạo ra các văn bản giả mạo có hình thức tương tự như văn bản chính thức của Sở Y tế, bao gồm thông báo, quyết định về việc thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra.
Điểm thường thấy của các văn bản giả mạo này là nội dung không mạch lạc, sai về thể thức văn bản, phông chữ. Sau đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại giả danh là lãnh đạo hoặc Thanh tra Sở Y tế gọi điện đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, gửi các văn bản thông qua mạng xã hội zalo và yêu cầu đại diện cơ sở có mặt để làm việc với đoàn thanh tra. Lợi dụng tâm lý lo sợ của các chủ cơ sở, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền để tránh bị kiểm tra hoặc xử phạt…
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo, người dân khi nhận được các cuộc gọi hoặc văn bản nghi ngờ hãy liên hệ trực tiếp với Sở Y tế hoặc cơ quan chức năng có liên quan để xác minh thông tin. Tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác minh rõ ràng.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị Giám đốc Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương thông tin đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn biết được thủ đoạn trên.
Trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện các văn bản nghi ngờ giả mạo thì thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm theo quy định của pháp luật.
Cảnh Nhật