Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời ý kiến lo ngại của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) về tác động tiêu cực của việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.
Theo Bộ GTVT, dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” do Bộ TN-MT thực hiện đã hoàn thành.
Theo kết quả nghiên cứu đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản, các chỉ tiêu cát biển vùng gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012.
Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp là 145 triệu m3, nằm cách bờ khoảng 20km (cửa Định An), đủ điều kiện chuyển giao để khai thác. Hiện Bộ TN-MT đã chuyển giao kết quả dự án cho UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ GTVT để triển khai các thủ tục theo quy định.
Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đã rà soát, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã ban hành tiêu chuẩn TCCS 01:2024/TT cây trồng nông nghiệp – ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng (12 loài cây trồng bao gồm: lúa, ngô, khoai tây, khoai lang, mía, bưởi, cam, nho, cà chua, dưa chuột, bắp cải, hành). Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành các tiêu chuẩn về độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản đối với một số loài thủy sản: TCVN 13656:2023 cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng; TCVN 13952:2024: thủy sản thương phẩm nước ngọt (nuôi ao, nuôi lồng bè, nuôi cá ruộng và nuôi nước lạnh).
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này đã thành lập tổ công tác bao gồm thành viên của nhiều bộ, ngành và các chuyên gia để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng”.
Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan thực hiện các thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hóa học của cát biển tại một số khu vực (như TP Hải Phòng, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng…), tiếp tục tổ chức thi công thí điểm tại một số dự án để nghiên cứu áp dụng rộng rãi cho nhiều khu vực.
Bộ GTVT khuyến nghị các địa phương tham khảo, nghiên cứu kết quả thí điểm của Bộ GTVT để triển khai mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án có điều kiện môi trường tương tự dự án thí điểm; đồng thời xem xét, áp dụng các tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng, đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Tại văn bản trả lời, Bộ GTVT một lần nữa khẳng định, thông tin diện tích lúa đông – xuân của một số hộ dân tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị giảm năng suất do dự án đường cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn là không có cơ sở.
Đoạn tuyến chính cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông và quá trình khai thác, vận chuyển được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ. Hiện Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân lúa chết theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ GTVT cũng gửi tới GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân một số thông tin tham khảo từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển thuộc tỉnh Kiên Giang theo con nước sông Cái Lớn và kênh Chắc Bang vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang tăng cao.
Vào thời điểm tháng 4, kết quả khảo sát cho thấy một số khu vực có độ nhiễm mặn tăng cao do tình trạng khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn, một số nơi đo được độ nhiễm mặn 7‰ -13‰.
BÍCH QUYÊN