Các nghệ sĩ trẻ đã sáng tạo một cách cô đọng nhất nhằm làm nổi bật và lan tỏa hình ảnh căn tính Việt trên các sản phẩm ứng dụng.
“Việt hóa” sản phẩm từ văn hóa bản địa
Từ áo, túi xách, mũ cho đến quà tặng lưu niệm, văn phòng phẩm, tranh in… được tích hợp những hình ảnh đa dạng từ truyện cổ tích đến phong tục lễ tết. Kể câu chuyện văn hóa trên sản phẩm ứng dụng không chỉ là một xu hướng mới của lĩnh vực thiết kế sáng tạo, phục vụ công nghiệp văn hóa, đem lại nguồn lợi kinh tế tri thức, mà còn giúp các giá trị truyền thống tiếp cận công chúng một cách tự nhiên và lan tỏa hơn.
Từ đầu năm 2024, cùng với việc xây dựng hệ sinh thái sáng tạo phục vụ ngành công nghiệp văn hóa, nhiều tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ đã thực hiện khá thành công mô hình tiếp cận công chúng qua sản phẩm ứng dụng văn hóa truyền thống. Từ các sản phẩm mây tre đan, sơn mài cho đến trang phục, nội thất đều gắn liền với những câu chuyện văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Du khách khi tham quan một số điểm du lịch ở miền Bắc, dễ thấy các sản phẩm trang phục dân tộc thiểu số được kết hợp một cách hài hòa với thời trang hiện đại. Thậm chí, các bộ sản phẩm như đèn lồng trang trí, bàn ghế, vỏ gối, túi xách… đều được thiết kế dựa trên chất liệu truyền thống từ vải lanh, vải nhuộm chàm và hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nghệ sĩ thiết kế Thanh Mai cho rằng, có nhiều cách để quảng bá văn hóa truyền thống, nhưng không thể “bê nguyên” truyền thống vào sản phẩm bởi sẽ kén người dùng. Thế nhưng, nếu cải biên các mẫu thời trang hiện đại có dùng họa tiết, hoa văn thổ cẩm truyền thống thì lại dễ được đón nhận. Từ chất liệu thủ công, bằng sự sáng tạo riêng của nghệ sĩ sẽ tạo nên sản phẩm hiện đại, ứng dụng được một cách rộng rãi, đặc biệt là được người trẻ đón nhận nồng nhiệt.
“Thử tưởng tượng một cô gái trẻ mặc váy của người Mông (váy mèo) đi bar, sẽ khó được chấp nhận. Nhưng nếu váy mèo được cải biên theo hướng hiện đại, chọn lựa chi tiết hoa văn, sáng tạo thể dáng “hợp gu” với giới trẻ thì đó không chỉ là một cái váy thông thường, mà trở thành thời trang độc đáo. Sự độc đáo, độc lạ và đẹp theo cách truyền thống vẫn luôn là sự khao khát của không ít các bạn trẻ hiện đại”, nghệ sĩ Thanh Mai cho hay.
Cũng ở lĩnh vực thời trang – tranh in, vào tháng 7/2024, TiredCity – đơn vị nghệ thuật đóng vai trò cầu nối lan toả các tác phẩm sáng tạo từ cộng đồng nghệ sĩ trẻ Việt Nam tới những người yêu thích sáng tạo cũng hoàn thành dự án “54 Việt Tộc” theo phong cách tranh Hàng Trống.
Mỗi bức tranh như một phiên bản ảnh đại diện của từng dân tộc, bao hàm những đặc trưng thời trang riêng biệt. Như cô gái Tày với chiếc áo được nhuộm bằng nước cây chàm, mang sắc xanh đen chung thủy, son sắt, thơm hương núi rừng.
Với mục tiêu hỗ trợ và phát triển nghệ thuật sáng tạo thông qua hợp tác với các nghệ sĩ trẻ để đưa tác phẩm bản quyền lên các sản phẩm có tính ứng dụng. 10% giá trị sản phẩm được gửi trực tiếp đến các nghệ sĩ đã tạo động lực để những người thực hành sáng tạo thêm cơ hội phát triển.
Tái tạo văn hóa với thiết kế đương đại
Mới đây, cộng đồng nghệ thuật cũng biết đến triển lãm tranh “Dân gian trong Gen Z” do TiredCity và Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức nhằm mang đến những góc nhìn độc đáo của 3 họa sĩ trẻ về văn học, nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật.
Từ tranh Đông Hồ – dòng tranh truyền thống 400 năm xứ Kinh Bắc, đến nghệ thuật hát Bội từng một thời gắn với lễ nghi cung đình, hay Vè – một dạng “báo nói” độc đáo với vần điệu dễ nhớ hội tụ trong 39 tác phẩm xuất sắc.
Du ngoạn văn hóa dân gian cùng Gen Z đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện gần gũi của thời hiện đại, mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Tiếp nối dự án này, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang diễn ra triển lãm “Trung thu vui ký” với 47 tác phẩm tranh minh họa xuất sắc về chủ đề Trung thu của các họa sĩ trên khắp thế giới, được TiredCity chọn lọc kỹ càng từ thử thách minh họa.
“Trung thu vui ký” lần lượt dẫn dắt người xem trở về những ký ức tuổi thơ ngọt ngào với lồng đèn, bánh Trung thu và những câu chuyện cổ tích. Đồng thời, mở ra nhiều góc nhìn đa dạng về một ngày Tết trăng rằm rộn ràng, khác biệt trong thời hiện đại.
Cũng từ bản sắc văn hóa truyền thống, các nhà thiết kế trẻ của Moon nSun lại lấy cảm hứng từ bức tranh “Ngư tảo” của cố hoạ sĩ Nguyễn Huyến (nghệ sĩ tham gia vẽ tờ tiền 100 đồng “con trâu xanh” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để sáng tạo bộ sưu tập quà tặng đặc biệt.
“Ngư tảo” được họa sĩ Nguyễn Huyến sáng tác vào năm 1975, khi ông tròn 60 tuổi. Bức tranh vẽ 4 con cá vàng đang bơi lội cùng vài nhánh rong rêu làm trang trí sống động và rực rỡ. Trong văn hóa Việt, cá vàng là loài biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, kiên trì, bền bỉ, đồng thời thể hiện sự dồi dào, thịnh vượng, mang đến nhiều may mắn, an lành.
Các nghệ sĩ đã đưa hình ảnh trong tranh, kết hợp cùng chất liệu sơn mài truyền thống của làng nghề Hạ Thái vào bộ sưu tập, gồm các sản phẩm hộp sơn mài hình tròn và hình chữ nhật, với nhiều kích cỡ, hình dáng khác nhau, nổi bật với họa tiết cá vàng bơi lội.
Đại diện nhóm thiết kế Moon nSun cho biết, mong muốn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa thông qua dự án đưa mỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống. Các tác phẩm mỹ thuật chất lượng cao, đậm đà bản sắc căn tính văn hóa Việt sẽ được đưa vào các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, được sử dụng rộng rãi trong đời sống đương đại.
|
Trần Hòa