Đối với những người không may ốm đau, bệnh tật, tai nạn, nhất là người dân có hoàn cảnh khó khăn, thì tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự là “phao cứu sinh” giúp các gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp người bệnh yên tâm điều trị.
Giảm gánh nặng tài chính cho người dân
Từ lâu nay, tấm thẻ BHYT đã trở thành người đồng hành không thể thiếu của bà Nguyễn Thị Xuân (64 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Tháng 12/2023, bà Xuân không may bị tai nạn giao thông, dẫn đến chấn thương sọ não, phải điều trị cấp cứu tại Bệnh viện E suốt cả tháng, thậm chí sau đó bà còn bị liệt toàn thân. Vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh”, giúp gia đình bà giảm nhiều chi phí khám và điều trị bệnh.
Anh Chu Thiên Mạnh – con trai bà Xuân cho biết: “Gia đình tôi chỉ phải lo tiền đi lại, mua thuốc bổ để tăng cường sức khỏe. Quá trình điều trị tại bệnh viện hết 126 triệu đồng, trong đó BHYT đã hỗ trợ chi trả tới 100 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản chi phí điều trị, chắc chắn gia đình tôi sẽ rất khó khăn, chật vật trong việc “xoay” tiền lo thuốc thang cho mẹ”.
Còn với anh Trần Văn Quân (33 tuổi, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), tấm thẻ BHYT đã giúp gia đình anh giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai, khi anh không may mắc bệnh.
Anh Quân cho biết, cách đây nửa năm, anh đã phải trải qua trận ốm “thập tử nhất sinh” khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm não tự miễn kháng thể kháng NMDAR (+). Đáng nói, cũng thời điểm này, anh Quân cùng lúc phải điều trị bệnh viêm phổi, viêm gan virus B.
Căn bệnh khiến anh Quân bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn, xuất hiện những cử động bất thường, gặp vấn đề liên quan đến giữ thăng bằng, nói chuyện và thị lực bị ảnh hưởng, tay chân yếu dần, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ… Những cơn đau dày vò đưa anh đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trải qua ca phẫu thuật cùng hơn 2 tháng điều trị tích cực, anh Quân đã trở về với cuộc sống bình thường bên vợ con với một cơ thể khỏe mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, anh Quân cho biết: “Sau thời gian dài điều trị mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, vợ chồng tôi phải vay mượn tiền để lo chi trả chi phí. Tuy nhiên, rất may, nhờ có thẻ BHYT, tôi đã được Quỹ BHYT chi trả cho hơn 260 triệu đồng. Qua đó, giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế đè nặng bấy lâu”. Cũng may, vốn làm việc cho một doanh nghiệp tư vấn xây dựng, anh Quân được doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT đầy đủ; nhờ đó, tấm thẻ BHYT đã đồng hành cùng anh trong suốt quá trình điều trị bệnh.
“Không phải bàn cãi về ý nghĩa chia sẻ của việc tham gia BHYT đối với mỗi người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn khi chẳng may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Nhờ có tấm thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh người dân sẽ giảm bớt gánh nặng chi tiêu, từ đó có thể an tâm hơn trong điều trị bệnh”, anh Quân chia sẻ.
Có thể thấy rằng, việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
“Điểm tựa” an sinh vững chắc
Chính sách BHYT là một trong những trụ cột của an sinh xã hội thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm.
Trao đổi với phóng viên về ý nghĩa nhân văn của việc tham gia BHYT, ông Vũ Đức Thuật – Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: “Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, nhất là với những gia đình có mức thu nhập thấp. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo, cộng đồng sâu sắc, vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2023, cả nước có 93,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Trong đó, có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, với tần suất khám chữa bệnh khoảng 2-2,1 lần/năm. Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng 160-185 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Những con số này đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Thủ đô Hà Nội, cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân Thủ đô tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Nếu như các năm 1995, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 13,9% và 77,23% dân số, thì đến hết năm 2023 và ước hết tháng 6/2024 lần lượt độ bao phủ BHYT đạt 94% và 94,33% dân số. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.
Năm 2023, BHXH thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 190 cơ sở khám chữa bệnh (với 614 điểm khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu) để thực hiện công tác khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó có 77 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, 113 cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/ngành quản lý; phân loại theo loại hình: Có 144 công lập, 45 ngoài công lập; phân loại theo tuyến chuyên môn kỹ thuật: 25 tuyến Trung ương, 47 tuyến tỉnh, 99 tuyến huyện (bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn), 19 cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, trường học. Đối với y tế cơ sở, có 478/574 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Cùng đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại đều nhanh chóng được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính. Không ít bệnh nhân đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng tiền khám chữa bệnh, từ đó giúp người bệnh và gia đình vượt qua những khó khăn về kinh tế để yên tâm điều trị bệnh.
Tại thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2023, trên địa bàn Thành phố phát sinh 12,6 triệu lượt khám chữa bệnh, số chi khám chữa bệnh BHYT là trên 22.531 tỷ đồng; có 397 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh BHYT trên 500 triệu đồng, 3 bệnh nhân có chi phí được Quỹ BHYT thanh toán trên 3 tỷ đồng. Bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển về thành phố Hà Nội điều trị đều được đảm bảo về quyền lợi BHYT. Trong số 397 bệnh nhân chi phí cao, có trên 60% bệnh nhân ngoại tỉnh. Năm 2023, số thanh toán cho bệnh nhân ngoại tỉnh là 11.259 tỷ đồng, chiếm 50,3% tổng chi bảo hiểm thanh toán.
Thực tế đã chứng minh, mục tiêu cuối cùng của BHYT toàn dân là đem lại lợi ích thiết thực, hài hòa và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, con người, xuất phát từ chính tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để lan tỏa chính sách trong BHYT tới mọi người dân, giúp mỗi người tự nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách để chủ động tham gia nhằm chăm lo sức khỏe cho bản thân mình và gia đình.