“Đào, phở và piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” là 2 bộ phim điện ảnh được Nhà nước đặt hàng và cùng chiếu vào mùng 1 Tết Giáp thìn tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Từ đó đến nay phim “Đào, phở và piano” liên tục tăng suất chiếu nhưng vẫn không đáp ứng kịp với nhu cầu khán giả đặt vé muốn đến rạp xem phim.
Đào, phở và piano là bộ phim kể về những ngày chiến đấu anh hùng của quân và dân Thủ đô những năm 1946 – 1947. Trong phim, người Hà Nội hiện lên với tất cả vẻ hào hùng và hào hoa khi chiến đấu chống thực dân Pháp. Bộ phim không đơn thuần là chiến trận mà mang nhiều màu sắc lãng mạn và cả “chất chơi” của người Hà Nội.
Phim nằm trong chuỗi phim được thí điểm khai thác thương mại tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia theo dự án thí điểm phổ biến phim do Nhà nước đầu tư kinh phí trong 2 năm 2024 và 2025.
Với vốn đầu tư 20 tỷ đồng, trong dòng chảy phim thương mại, giải trí đang chiếm lĩnh thị trường phim Việt, đặc biệt trước bộ phim Mai của Trấn Thành đã lập kỷ lục phòng vé với doanh thu lên đến hơn 400 tỷ đồng, thì có lẽ, khi đưa những phim đề tài lịch sử như “Đào, phở và piano” hay “Hồng Hà nữ sĩ” tham gia “sân chơi” phim Tết, nhiều người đã từng nghĩ đây như một hình thức “góp vui” cho phim Việt đợt Tết.
Tuy nhiên, sự quan tâm của người xem, việc cháy vé liên tiếp trong các suất chiếu đã biến “Đào, phở và piano” thành 1 “hiện tượng” và đặt ra một niềm hy vọng cho dòng phim Nhà nước.
Trước cơn sốt này, Cục Điện ảnh đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phát hành “Đào, Phở và Piano” trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ khuyến khích các đơn vị tham gia phát hành phim “Đào, Phở và Piano” cũng như những phim Nhà nước đặt hàng và phim Việt nói chung.
Bộ phim có thể coi là một phát súng tiên phong để không chỉ các đạo diễn, nhà sản xuất nhìn nhận, thay đổi. Mà kể cả chính các cơ quan quản lý cũng cần phải thay đổi và khắc phục những tu duy bao cấp, lối mòn xưa cũ.
Rằng, điện ảnh Nhà nước về đề tài lịch sử không đơn thuần là chỉ làm nhiệm vụ chính trị mà nó còn có có thể là một sản phẩm để tạo ra doanh thu. Vì thế, cần thay đổi tư duy để phim điện ảnh về đề tài lịch sử trở thành một món ăn tinh thần cho người Việt chứ không phải 1 tác phẩm “đặt hàng” cho xong!
Minh Dương