Các đơn vị chức năng cũng cần rà soát các báo hiệu đường bộ khác có liên quan đến thay đổi địa danh hành chính, chỉ dẫn địa danh đến và khoảng cách (ví dụ các thông tin khoảng cách ghi trên cột km đến địa danh cụ thể) cần điều chỉnh và đề xuất lộ trình thực hiện.
Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trên, đơn vị quản lý đường bộ lập phương án tổng thể cho các tuyến, trong đó có nội dung cụ thể về lộ trình, nguồn kinh phí, trách nhiệm thực hiện sau đó báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh để sớm triển khai thực hiện. Thời hạn báo cáo trước ngày 31/7.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc điều chỉnh lại các biển báo hiệu có thông tin liên quan đến thay đổi, điều chỉnh địa danh trên báo hiệu và điều chỉnh địa danh trên biển báo chỉ dẫn hướng đi đến địa danh mới, thay cho địa danh cũ, điều chỉnh khoảng cách giữa các địa danh, địa điểm là cần thiết.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh toàn bộ các nội dung này cần nhiều kinh phí và thời gian (bao gồm các thủ tục cho phép đầu tư dự án, tổ chức khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu rộng rãi và các thủ tục khác, tổ chức thi công xây dựng).
“Đối với loại biển báo chỉ dẫn địa giới hành chính, số lượng biển báo loại này không nhiều, chi phí thực hiện không lớn, địa danh đã xác định cụ thể và không khó khăn trong thực hiện nên Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thay thế ngay và hoàn thành trước ngày 15/7”, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Thay đổi biển báo chỉ dẫn địa danh cần sự thống nhất của địa phương
Liên quan đến việc thay, điều chỉnh các biển báo chỉ dẫn địa điểm cần đến, hướng đi, lối ra đến địa danh, Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, nay cấp huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh không còn nên cần có sự thống nhất của nhiều bên liên quan về địa danh mới để chỉ dẫn nhằm tạo sự thống nhất của các cơ quan, các lực lượng trong thực hiện quản lý, tổ chức, điều hành giao thông; tạo sự thuận lợi cho người tham gia giao thông khi địa danh cũ được thay bằng địa danh mới.
Đơn cử, biển chỉ dẫn hiện tại trên cao tốc Hà Nội – Cầu Giẽ – Ninh Bình để chỉ dẫn vào thành phố Phủ Lý, nay thay bằng địa danh mới phải có sự thống nhất của các lực lượng, nhất là ý kiến của chính quyền cơ sở. Trong trường hợp này có thể lấy tên địa danh Phường Phủ Lý mới (nếu có) nhưng cần được đồng thuận của địa phương và Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên có nhiều thành phố thuộc tỉnh sau khi sắp xếp không sử dụng tên thành phố cũ cho phường mới thì việc lựa chọn địa danh mới sẽ khó khăn hơn.
Đối với loại biển báo này, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ thống nhất với các đơn vị liên quan về địa danh hành chính trên biển báo trước khi thay thế.
Cùng đó, rà soát các báo hiệu đường bộ khác có liên quan đến thay đổi địa danh hành chính, chỉ dẫn địa danh đến và khoảng cách. Trong đó, ưu tiên thực hiện trước việc điều chỉnh các biển báo và các trường hợp ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đồng thời, lập thành phương án tổng thể cho các tuyến, có nội dung cụ thể về lộ trình, nguồn kinh phí, trách nhiệm thực hiện báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam và UBND cấp tỉnh.
Đối với các dự án chưa hoàn thành, Cục cũng yêu cầu các chủ đầu tư triển khai thực hiện điều chỉnh ngay địa danh hành chính, địa danh chỉ dẫn hướng đi đến, hướng rẽ, lối ra để đến địa danh mới phù hợp với đơn vị hành chính sau sắp xếp, từ đó tiết kiệm được chi phí và hiệu quả dự án.
Phan Trang