Mặc dù còn bộn bề khó khăn, song các trường học vùng cao Tây Bắc đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho năm học mới,
Đồng thời kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục với vùng thuận lợi.
Trường lớp khang trang đón trò
Chuẩn bị cho năm học 2024 – 2025, từ cuối tháng 8, các trường học trên địa bàn Tây Bắc gấp rút hoàn thành những hạng mục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất đón học sinh tựu trường.
Tại Trường Tiểu học và THCS Bản Giang (Tam Đường, Lai Châu), các thầy cô, nhân viên nhà trường khẩn trương tổng vệ sinh, sửa chữa sân trường, mái che, chỉnh trang khuôn viên quanh trường, cắt tỉa cây xanh… Sau khi kết thúc kiểm tra lại thiết bị dạy học, điện thắp sáng, quạt điện để bổ sung, thay thế, thầy Phạm Huy Đức – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi có 21 lớp, trên 400 học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường được đầu tư sửa chữa các phòng chức năng, 3 phòng học và tu sửa điểm trường Nà Bỏ. |
|
Ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên bắt tay vào tu sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang lại khuôn viên trường, lớp học, dọn dẹp vệ sinh từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ. Trường được sửa chữa khang trang hơn, chúng tôi cũng yên tâm khi đón học sinh đến trường và tự tin hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới”.
Đến Trường Mầm non Võ Thị Sáu, xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La), công tác chuẩn bị cho năm học mới ở đây đang được tập trung hoàn tất. Khuôn viên nhà trường đã được chỉnh trang xanh – sạch – đẹp.
Cô Vì Thị Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, nhà trường được đầu tư xây mới nhà lớp học 2 tầng với 8 phòng và các hạng mục phụ trợ như sân gạch, tường rào, rãnh thoát nước… Tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Chúng tôi đã huy động giáo viên dọn vệ sinh, trang trí lớp học, chuẩn bị bếp ăn bán trú. Qua đó, đảm bảo các điều kiện tốt nhất trước khi đón trẻ đến lớp”.
Năm học 2024 – 2025, Sơn La có 610 trường học, với trên 375 nghìn học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp. Trong đó, ưu tiên các hạng mục công trình như: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm và đảm bảo các điều kiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: “Năm học mới này, các cơ sở giáo dục trực thuộc sở đã được đầu tư và hoàn thành 8 dự án xây dựng tại trường PTDTNT tỉnh và trường PTDTNT các huyện: Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Mường La, Yên Châu, Thuận Châu; THPT Mộc Lỵ, THPT Co Mạ”.
Bà Lường Thị Thắm – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Yên, thông tin: “Năm nay, ngành Giáo dục huyện được đầu tư trên 22 tỷ đồng xây mới, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, khu hiệu bộ và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhiều trường tại các xã Đá Đỏ, Mường Bang, Tường Tiến, Mường Do, Tường Phong, Suối Tọ. Đến thời điểm này, 100% các trường học đã đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất”.
Tại tỉnh Điện Biên, cuối tháng 8, công tác chuẩn bị cho năm học 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất. Đặc biệt, ở các địa phương thuộc vùng khó, tâm thế sẵn sàng càng thể hiện rõ nét khi mà công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ giáo viên, vận động học sinh đến lớp đang được tích cực triển khai.
“Chuẩn bị bước vào năm học mới, mạng lưới trường, lớp trong huyện được đầu tư kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong huyện”, ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ phát biểu và chia sẻ, năm học này, Nậm Pồ đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để xây mới nhà nội trú, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, khu hiệu bộ và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường.
Giải “bài toán” thiếu nhân lực
Trong 2 ngày 14 – 15/8, hàng chục giáo viên chuyên biệt các môn như: Tiếng Anh, Âm nhạc của huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã tập trung tại Trường PTDTBT Tiểu học Xam Măn, xã Keo Lôm để ôn luyện kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy nhằm đáp ứng cho một năm học được xác định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Năm học trước, Điện Biên Đông có 51 trường từ cấp học mầm non đến trung học cơ sở, 163 điểm trường với hơn 830 lớp, gần 23.000 học sinh các cấp học nhưng số lượng giáo viên Tiếng Anh toàn huyện chỉ có khoảng 20 người. Giải pháp đưa ra trong năm học vừa qua là các giáo viên phải dạy liên trường, liên cấp, số lượng tiết dạy tăng lên gần như gấp đôi, thời gian nghỉ ngơi gần như không có. Mỗi giáo viên Tiếng Anh ít nhất sẽ phải dạy tăng cường thêm 1 trường khác bằng phương pháp dạy học trực tuyến.
Ông Nguyễn Tiến Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, cho biết: Năm học 2023 – 2024, huyện thiếu nhiều nhất là giáo viên Tiếng Anh. Năm nay, cấp tiểu học thiếu 21 giáo viên và THCS thiếu 5 giáo viên. Việc phải dạy liên trường, liên cấp gây cho giáo viên rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề đi lại của các thầy, cô giáo trong mùa mưa lũ vì giữa các trường trên địa bàn cũng xa nhau. Chúng tôi nỗ lực chuẩn bị nguồn kinh phí làm sao để đáp ứng lại một phần khó khăn cho giáo viên đó là chế độ tăng giờ được đáp ứng đầy đủ.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo rà soát, bố trí sắp xếp giáo viên Tiếng Anh hiện có dạy các trường trong cùng huyện theo phương án: 1 giáo viên có thể dạy 2 trường, giáo viên THCS có thể dạy tiểu học. Sở cũng đề nghị các địa phương đầu tư trang thiết bị để dạy học trực tuyến, ưu tiên kinh phí chi trả tăng giờ cho giáo viên.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Điện Biên cũng thống nhất với Sở GD&ĐT TPHCM hỗ trợ phương pháp, phần mềm dạy tiếng Anh trực tuyến trong các trường tiểu học từ năm học 2024 – 2025. Tổ chức đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Anh cho 32 học viên theo hình thức vừa làm vừa học và lựa chọn 45 học sinh đi học đại học sư phạm tiếng Anh theo hình thức cử tuyển.
Ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: “Để thu hút thí sinh dự tuyển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng, sở đã chủ động thông báo rộng rãi, công khai chỉ tiêu tuyển dụng đến các huyện, thị xã, thành phố và trong toàn ngành. Sở cũng tổ chức rà soát nguồn tuyển là con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh mới ra trường; thông tin chi tiết, cụ thể chính sách thu hút của tỉnh đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
Bà Nghiêm Thị Kim Huê – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ: “Công tác bồi dưỡng chính trị hè năm 2024 cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường được các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó giúp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nắm vững những nội dung cơ bản, điểm mới trong phát triển giáo dục toàn diện, đồng thời vận dụng sáng tạo, phù hợp vào công tác giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong tình hình mới”.
Những kỳ vọng mới
Trước những khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu đã tìm các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang – thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT năm 2018. Trước ngày khai giảng, việc tập huấn chương trình, tập huấn sử dụng sách giáo khoa đã hoàn tất. Về cơ bản, sách giáo khoa đã đến tay học sinh, tất cả các trường đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
“Thay mặt lãnh đạo ngành GD-ĐT, tôi tin tưởng rằng các thầy, cô giáo và học sinh toàn tỉnh sẽ luôn đồng lòng, đồng sức khắc phục khó khăn và nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong năm học mới, tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm học”, NGƯT Đinh Trung Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên kỳ vọng, toàn ngành GD-ĐT sẽ đoàn kết, nỗ lực hết mình vượt qua những khó khăn thử thách để hoàn thành mục tiêu chung là thực hiện tốt nhiệm vụ năm học với chủ đề: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT”.
Để làm được điều đó, ông Đoạt mong mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của trường luôn tận tụy, trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Thầy cô không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, khắc phục những điểm còn hạn chế để hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành và đặc biệt, mỗi nhà giáo đều luôn yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ với học sinh, để các em cảm thấy hạnh phúc khi đến trường…
Ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: “Với khí thế đoàn kết, nêu gương, sáng tạo, hiệu quả, tận tâm, tận lực, tất cả vì học sinh thân yêu, toàn ngành Giáo dục Nậm Pồ quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, từng bước đưa sự nghiệp trồng người ở Nậm Pồ ngày càng phát triển vững chắc, thu hẹp khoảng cách về giáo dục với vùng thuận lợi”.
Ngoài ra, ông Chiến chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ngành GD-ĐT huyện Nậm Pồ là được lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất trường học, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ di dời, xây dựng các điểm trường nằm ở những khu vực có khả năng sạt lở, sụt lún do ảnh hưởng của mưa lũ.
Thầy giáo Trần Hoàng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Với sự quan tâm, đầu tư từ các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương, trong năm học 2024 – 2025 và các năm tiếp theo, tập thể nhà trường sẽ quyết tâm phát huy thành tích đạt được để tạo bước đột phá trong công tác dạy – học, góp sức vào mục tiêu “đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” của ngành GD-ĐT Điện Biên.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, tại các huyện, thành phố, từ nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư trên 400 tỷ đồng xây mới, đồng thời, sửa chữa hàng trăm phòng lớp học, bếp ăn bán trú, nhà ở học sinh và các công trình phụ trợ.
Hiện nay, các thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.
Nhóm PV