Trong bối cảnh Trung ương đang xem xét đề án sáp nhập tỉnh thành, nhiều ý kiến từ các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng đây không chỉ là cuộc “tái cấu trúc” địa giới hành chính, mà còn là cơ hội vàng để kiến tạo những không gian phát triển mới, đặc biệt là hướng biển.

Kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm
Tại tọa đàm “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” do báo Dân trí tổ chức sáng nay (10/04), các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng thảo luận từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau về chủ trương đột phá trong sắp xếp tỉnh thành để mở rộng không gian phát triển đối với từng địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước, sự ổn định lâu dài của bộ máy nhà nước.
Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ và xác định đã đến thời điểm chín muồi cho sắp xếp các đơn vị hành chính.
“Không phải cách đây mấy tháng chúng tôi mới nghiên cứu mà từ Đại hội 13 của Đảng, vấn đề này đã đặt ra rồi. Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị căn cơ, trong thời gian dài. Còn quá trình xây dựng đề án vừa qua, chúng tôi thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng, cân nhắc. Các yếu tố để bảo đảm cho phương án sáp nhập sau này khả thi đã tính toán để bảo đảm thực hiện chiến lược đến cả trăm năm, thậm chí vài trăm năm”, ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phan Trung Tuấn, mở rộng không gian phát triển thực sự là tiêu chí lớn nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét như yếu tố địa lý, văn hóa, các vấn đề quy hoạch vùng, liên vùng. Ngoài ra mục tiêu khác cần hướng tới là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả như Tổng Bí thư đã nói.
Về phương án mở rộng không gian hướng biển, sáp nhập những tỉnh nội địa với những địa phương có biển, ông Phan Trung Tuấn cho rằng, Việt Nam là quốc gia biển với bờ biển dài, vùng biển rộng lớn. Chính vì vậy, chiến lược phát triển hướng biển là định hướng chiến lược được thể hiện nhất quán trong các chính sách phát triển quốc gia.
Vừa qua, việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng theo chủ trương hướng biển. Điều này thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm. Các tuyến đường này có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.
“Yếu tố hướng biển vô cùng quan trọng. Trong đề án trình Trung ương lần này, chúng tôi đã đề xuất phương án sáp nhập theo hướng kết nối các tỉnh, thành phố chưa có biển với các địa phương ven biển nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương”, ông Phan Trung Tuấn cho hay.
Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài, hướng biển.
“Lấy ví dụ ở khu vực Tây Nguyên hiện nay chưa gắn với biển về địa hình. Trong lần sáp nhập tỉnh này, chúng tôi định hướng sắp xếp gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước”, ông Phan Trung Tuấn nói.
Như vậy, gắn kết một địa phương có biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy thì sẽ có tương hỗ trong phát triển, gắn kết với địa phương.
Từ góc độ địa phương, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Cần Thơ cho biết, trong 50 năm qua, địa phương này đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách và hiện là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Cần Thơ cũng có cảng biển là cảng Cái Cui, được xem là cảng lớn nhất ĐBSCL. Đây cũng được coi là cảng biển nhưng cách cửa biển Định An cả trăm cây số. Cửa biển lại bồi lắng hàng năm, tàu lớn ra vào rất khó. Mỗi năm nạo vét tốn kém cả trăm tỷ đồng. Tàu trọng tải lớn cũng khó vào Cần Thơ. Nếu như sáp nhập Cần Thơ với một tỉnh có biển thì sẽ là lợi thế rất lớn”, ông Phạm Văn Hiểu chia sẻ.
Đó chỉ là về giao thông. Nếu có biển, Cần Thơ có thể phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển hệ sinh thái ven biển, du lịch biển gắn kết với đồng bằng sinh thái, logistics…
“Chúng tôi rất vui mừng khi biết có định hướng mở rộng ra hướng biển. Nếu được như vậy, chúng tôi có điều kiện vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới, tác động lớn đến sự phát triển của cả vùng ĐBSCL”, ông Phạm Văn Hiểu bày tỏ.
Kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên
Dưới góc nhìn quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định rằng định hướng kết nối các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng cao như Tây Nguyên, với các địa phương ven biển là tư duy quy hoạch chiến lược, phù hợp với bối cảnh phát triển tích hợp hiện nay.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Tây Nguyên hiện gồm 5 tỉnh với tổng diện tích trên 50.000 km² và dân số khoảng 6 triệu người. Nhưng điều quan trọng hơn là giá trị chiến lược của vùng Tây Nguyên không chỉ nằm ở quy mô dân số hay diện tích, mà còn ở bản sắc văn hóa độc đáo, khí hậu đặc thù và nguồn tài nguyên phong phú….
Khi nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất “đại ngàn” hùng vĩ – nơi hội tụ của những cao nguyên trải dài như Kon Tum, Di Linh, Buôn Ma Thuột… Dù các cao nguyên này liền kề về mặt địa lý, nhưng thực tế không gian lại bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở.
Đây cũng chính là nơi khởi nguồn của nhiều dòng sông lớn và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tiêu biểu như sông Sê San, sông Đồng Nai… Những con sông này không chỉ có giá trị về mặt thủy lợi và năng lượng mà còn góp phần tạo nên mối liên kết tự nhiên và kinh tế giữa các vùng.
Ông Trần Ngọc Chính cho hay, trong quá trình nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đã có những thời điểm các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất việc chia tách Tây Nguyên thành hai vùng riêng biệt.
Một ví dụ tiêu biểu là việc xem xét đưa tỉnh Lâm Đồng về với vùng Đông Nam Bộ, bởi Lâm Đồng có nhiều mối liên hệ về kinh tế, văn hóa, giao thương và du lịch với các tỉnh khu vực này.
Trong khi đó, các tỉnh phía bắc Tây Nguyên lại có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thể hiện rõ qua các tuyến giao thông chiến lược như quốc lộ 19, 25, 24, hay qua các dòng sông như Sê San, sông Ba – những huyết mạch kết nối vùng cao nguyên với các cảng biển phía Đông.
Như vậy, mối liên kết giữa Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là hoàn toàn rõ ràng, không chỉ về mặt địa lý mà còn về kinh tế, giao thương và phát triển không gian vùng.
“Ý tưởng tách đôi Tây Nguyên trước đây phần nào phản ánh mong muốn khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng này, cũng như thúc đẩy liên kết vùng theo đặc điểm phát triển riêng biệt.
Tuy nhiên, ngày nay, khi chúng ta đã có tư duy phát triển theo không gian tích hợp, điều quan trọng hơn là kết nối vùng một cách hài hòa và hiệu quả thay vì chia tách hành chính đơn thuần”, ông Trần Ngọc Chính nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để hình thành trục kết nối Đông – Tây, kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên.
Sự kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong quy hoạch phát triển vùng, cần được quan tâm sâu sắc và triển khai bài bản.
Thu Giang