Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán rất mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đáng chú ý, 8/10 mặt hàng nhóm kim loại đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi sắc đỏ cũng lan tỏa trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Kết phiên chỉ số MXV-Index giảm 0,5% về mức 2.191 điểm.

Sắc đỏ áp đảo trên thị trường kim loại
Theo ghi nhận của MXV, trong ngày giao dịch hôm qua, thị trường kim loại diễn biến trầm lắng. Đối với nhóm kim loại quý, chốt phiên giá bạc tiếp tục đánh mất 0,89%, lùi về mức 33,31 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim cũng giảm 0,84% xuống mức 1.079,3 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch hôm qua, tâm lý thị trường lạc quan hơn nhờ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hạ nhiệt đã làm suy yếu nhu cầu trú ẩn, khiến dòng tiền rút khỏi nhóm kim loại quý. Chỉ số dollar Mỹ nhờ đó tăng trở lại, đạt 99,52 điểm. Đồng USD mạnh lên khiến các kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế, qua đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Như vậy, theo MXV, một mặt nhu cầu đầu tư tài sản trú ẩn an toàn suy giảm, mặt khác sức mạnh đồng USD gia tăng đã khiến giá bạc điều chỉnh trong ngắn hạn. Hiện giới đầu tư đang khá thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ở nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đảo chiều giảm mạnh 2%, xuống còn 10.449 USD/tấn, trong khi quặng sắt ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, đánh mất thêm 1,12% xuống còn 95,22 USD/tấn.
Giá đồng trên sàn COMEX còn gặp khó khăn trước những tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ giảm tại Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Everbright Futures, thị trường đồng đang bước vào giai đoạn thấp điểm theo mùa. Đây là thời điểm mà hoạt động xây dựng chững lại do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, qua đó kéo theo nhu cầu đồng và quặng sắt giảm sút.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với quặng sắt tiếp tục chịu áp lực khi nhiều quốc gia đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ ngành thép trong nước, trong khi nguồn cung lại có dấu hiệu tăng nhẹ. Theo dữ liệu của Mysteel, tổng lượng quặng sắt xuất khẩu từ Australia và Brazil trong tuần 19–25/5 đạt 27,3 triệu tấn, tăng 0,9% so với tuần trước, riêng Australia tăng tới 7,8% về sản lượng xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, đà giảm của giá kim loại công nghiệp phần nào được kìm hãm nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 4 của các doanh nghiệp công nghiệp lớn tại Trung Quốc, với lợi nhuận tăng 3% trong tháng 4 nhờ các chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Giá cà phê Robusta lao dốc trước triển vọng nguồn cung dồi dào
Theo MXV, khép lại phiên giao dịch hôm qua, chỉ số MXV-Index nguyên liệu công nghiệp ghi nhận phiên điều chỉnh giảm nhẹ. Đáng chú ý, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến phân hóa rõ nét. Cụ thể, hợp đồng cà phê Arabica giao tháng 7 trên sàn ICE US tăng nhẹ 0,19%, lên 7.974 USD/tấn. Ngược lại, hợp đồng cà phê Robusta giao tháng 7 trên sàn ICE EU giảm sâu 1,96%, xuống còn 4.696 USD/tấn – mức thấp nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây.
Các dự báo mới nhất từ Conab và USDA đều cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung cà phê Robusta tại hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam, qua đó tác động trực tiếp lên giá cà phê Robusta thời gian gần đây. Theo Conab, sản lượng cà phê robusta của Brazil niên vụ 2025-2026 dự kiến tăng vọt 27,9% so với cùng kỳ, đạt mức kỷ lục 18,7 triệu bao 60 kg. Trong khi USDA cũng đưa ra dự báo về sản lượng Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2025-2026 sẽ đạt 30 triệu bao 60 kg, tăng 7,1% so với niên vụ trước.
Bên cạnh đó, giá cà phê hiện tại cũng đang chịu áp lực đáng kể khi lượng tồn kho trên sàn ICE liên tục tăng cao. Tính đến cuối tuần trước, tồn kho cà phê Robusta do ICE giám sát đã lên mức cao nhất trong 8 tháng vào cuối tuần trước, đạt 5.438 lô và hiện vẫn duy trì ở mức cao 5.428 lô. Đồng thời, tồn kho cà phê Arabica cũng tăng lên 892.468 bao vào thứ Ba, mức cao nhất trong vòng 3 tháng rưỡi, càng gia tăng áp lực lên giá trên thị trường.