Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gặp ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump trong một phần của nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Hungary gặp ông Trump để thảo luận về ‘sứ mệnh hòa bình 5.0’
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gặp ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump trong một phần của nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Sau khi tiếp quản vai trò chủ tịch, ông Orban có chuyến thăm Ukraine và ngay sau đó là Nga, Trung Quốc, Mỹ, những chuyến công du mà ông gọi là “sứ mệnh hòa bình”. Cuộc gặp ông Trump được miêu tả là “sứ mệnh hòa bình 5.0”.
Trước đây, ông Orban từng ca ngợi ông Trump là “người đàn ông của hòa bình”. Dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ đã “không khơi mào một cuộc chiến tranh nào”. Thành viên đảng Cộng hòa này cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.
Nga nêu điều kiện tham gia vào hội nghị thượng đỉnh mới về Ukraine
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về cuộc khủng hoảng ở Ukraine được tổ chức ở Burgenstock, Thụy Sĩ vào tháng trước. Hơn 90 quốc gia đã tham gia sự kiện này nhưng Nga không nhận được lời mới trong khi một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc từ chối tham dự do cho rằng Moscow cần là một phần của tiến trình trên.
Trong cuộc họp báo ngày 11/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov nhấn mạnh Nga vẫn cởi mở đối thoại với Ukraine song cho biết trước tiên nước này phải biết những gì sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai này. Nga sẽ không thảo luận về bất kỳ chi tiết cụ thể nào nếu nó bị tách rời vấn đề an ninh quốc gia.
Ai Cập, Israel đàm phán về hệ thống giám sát điện tử
Theo một số nguồn tin từ Ai Cập cũng như một nguồn tin giấu tên khác, các nhà đàm phán Israel và trung gian hòa giải Ai Cập đang thảo luận về việc thiết lập một hệ thống giám sát điện tử dọc biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, có thể cho phép Israel rút quân khỏi Gaza nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt xung đột tại dải đất ven Địa Trung Hải này. Nếu được các bên tham gia đàm phán đồng ý, hệ thống giám sát này có thể tạo thuận lợi tiến tới đạt được thỏa thuận ngừng bắn, mặc dù vẫn tồn tại khác biệt trong quan điểm của hai bên xung đột.
Mỹ phá hủy thiết bị tấn công của Houthi trên Biển Đỏ
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết các lực lượng này đã phá hủy 5 tàu nổi không người lái của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Trong thông báo cuối ngày 11/7, CENTCOM cho biết lực lượng liên quân cũng đã phá hủy 2 hệ thống thiết bị bay không người lái ở Biển Đỏ và một hệ thống như vậy tại một khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, khi cho rằng những thiết bị nói trên gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với tàu thuyền thương mại qua lại trong khu vực. CENTCOM khẳng định hành động của họ nhằm bảo vệ tự do đi lại, đảm bảo và an toàn trên vùng lãnh hải quốc tế.
Tổng thống Biden chưa sẵn sàng đối thoại với ông Putin
Ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington bế mạc. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng đã chia sẻ về khả năng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Biden cho biết, ông chưa sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Putin, đồng thời từ chối cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Australia công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine
Ngày 12/7, Chính phủ Australia đã công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine trị giá khoảng 250 triệu USD. Theo Bộ Quốc phòng Australia, gói hỗ trợ này bao gồm tên lửa phòng không, vũ khí không đối đất, vũ khí chống tăng, cũng như đạn pháo, đạn súng cối, đại bác và vũ khí cỡ nhỏ. Gói viện trợ này nâng tổng mức viện trợ quân sự của Australia cho Ukraine lên hơn 1,1 tỷ USD.
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản từ chức
Ngày 12/7, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) đã từ chức sau một loạt vụ bê bối, trong đó có việc cho phép những nhân viên không đủ tiêu chuẩn tiếp cận và xử lý các tài liệu mật trong lĩnh vực quốc phòng.
Đô đốc Ryo Sakai sẽ từ chức Tham mưu trưởng MSDF vào ngày 19/7 và nghỉ hưu. Ông Ryo Sakai thừa nhận với vai trò là tham mưu trưởng, ông chịu trách nhiệm đào tạo nhân sự và quản lý tổ chức của lực lượng. Do đó, ông đã quyết định từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là người quản lý các “thông tin mật mặc định”.
Xuân An (t/h)