Trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tới năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là “xương sống” của mạng lưới giao thông vận tải thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15% – 25% ở đô thị vệ tinh.
Nhìn từ tính ưu việt
Hôm nay, tuyến đường sắt đô thị thứ hai tại Hà Nội (Nhổn – Ga Hà Nội), đoạn trên cao dài hơn 8km chính thức vận hành thương mại. Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, để chuẩn bị đưa vào vận hành, ngoài các thủ tục về nghiệm thu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu thi công tiến hành vệ sinh công nghiệp toàn bộ nhà ga trên cao, vệ sinh khu vực demo, rà soát toàn bộ hệ thống.
Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị, đoàn tàu, hệ thống điều khiển đều áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của châu Âu. Tàu có vận tốc tối đa đạt 80km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35km/h. Các đoàn tàu sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, nhà sản xuất là Alstom (Cộng hòa Pháp). Theo thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 3, năng lực vận chuyển của tuyến là 23.900 hành khách/1 giờ/1 hướng. Nếu vận hành trong ngày từ 5h30 sáng đến 22h đêm thì tuyến đường sắt có thể vận chuyển tối đa hơn 500.000 hành khách/ngày.
Phải khẳng định, việc đưa đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đã được dư luận chú ý và chờ đón. Bởi đây là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành thành phố, khi khai thác, chắc chắn sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực về ùn tắc giao thông, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nhức nhối tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội. Trong đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là “xương sống” của vận tải hành khách công cộng. Hiệu quả từ việc vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã cho thấy điều đó. Tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6/11/2021, qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà đường sắt đô thị đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ.
Nhìn cảnh tắc đường vào giờ cao điểm. Có thể thấy, người dân lựa chọn đường sắt đô thị là hợp lý và chính đáng. Cứ 1 triệu chuyến di chuyến bằng xe cá nhân, nếu chuyển sang tàu điện sẽ giúp giảm 487 nghìn giờ tham gia giao thông trên đường, giúp giảm khí thải và ùn tắc giao thông.
Nhà ở Hà Đông, hằng ngày anh Ngô Minh Hoàn luôn lựa chọn tàu điện là phương thức di chuyển chính để đi làm tại khu vực gần Ga Cát Linh. Anh Ngô Minh Hoàn chia sẻ, trước đây như nhiều người anh vẫn thường đi làm bằng xe máy, nhưng nay có tàu điện gần nhà và ga tàu lại gần trụ sở làm việc nên anh quyết định bỏ phương tiện cá nhân để tham gia loại hình vận tải này. Hơn hết, theo anh Hoàn, việc di chuyển bằng tàu điện rất sạch, an toàn và nhanh, không phải chịu cảnh ùn tắc.
Giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông
Theo các chuyên gia giao thông nhận định, dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD (mô hình được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường – PV). Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Quanh vấn đề này, PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, Đại học Việt Đức đã nhấn mạnh, các thành phố lớn cần ưu tiên đầu tư phát triển giao thông công cộng và thành phố được thiết kế xung quanh việc sử dụng giao thông công cộng. Tuy nhiên, trên góc độ nghiên cứu về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Anh Tuấn cũng chỉ ra, thách thức hiện nay của các đô thị là phụ thuộc vào phương tiện xe ô tô, xe máy, vì vậy tiếp cận bền vững là chìa khóa để phát triển bển vững, cần đổi mới tư duy thay đổi ưu tiên cho đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng.
Thực tế cũng cho thấy, các tuyến đường sắt đô thị mới bước đầu đưa vào hoạt động ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đường sắt đô thị đã từng bước thể hiện tính ưu Việt và chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, đường sắt đô thị là bộ phận cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, là tiền đề cho sự phát triển của giao thông đô thị. Và, phát triển giao thông đô thị bền vững cũng chính là điều kiện để phát triển đô thị bền vững.
Rõ ràng, một mạng lưới đường sắt đô thị hoàn thiện sẽ gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… cũng như giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Đường sắt đô thị cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến. Do những lợi ích của đường sắt đô thị đem lại như: Có tốc độ di chuyển cao, không ùn tắc giao thông do có đường dành riêng. Hành khách có thể lên kế hoạch trước cho chuyến đi và biết chính xác thời gian họ cần phải lên tàu, thời gian họ tới điểm đến. Chi phí về tiền bạc và thời gian khi di chuyển bằng đường sắt đô thị sẽ tiết kiệm hơn so với việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hoặc các loại hình taxi truyền thống, taxi công nghệ… Với những đặc điểm riêng, đường sắt đô thị và xe buýt sẽ bổ sung cho nhau, tăng hiệu quả và thu hút người đi cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trong đô thị.
Đinh Luyện