Uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có chứa nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng cách.
Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ.
Bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 3 – 5 trường hợp trẻ bị uốn ván sơ sinh, trong đó có không ít bệnh nhi nhập viện khi bệnh quá nặng, không thể cứu chữa.
Vi trùng uốn ván tồn tại trong đất, cát, bụi bẩn, các dụng cụ bẩn… Khi trẻ vừa sinh ra, nếu dụng cụ cắt rốn hoặc bàn tay người đỡ đẻ không sạch thì vi trùng sẽ theo cuống rốn vào máu, gây bệnh cho trẻ. Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có thời gian ủ bệnh từ 2 – 20 ngày, trung bình 6 – 9 ngày. Uốn ván rốn càng nặng nếu ủ bệnh càng ngắn. Khi khởi phát bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện khóc nhiều, kích thích, kích động, khó nuốt do cứng hàm, khó ngậm vú, đầu ngửa ra sau và sau 24 – 48 giờ bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn toàn phát với các triệu chứng cứng hàm rõ, co cứng cơ chi, co cứng cơ bụng. Trên nền co cứng trẻ sẽ xuất hiện những cơn rung giật cứng. Co cứng tăng và lan tỏa có thể gây tư thế uốn cong người ở trẻ. Khi mắc bệnh, trẻ có thể bị rối loạn hô hấp dẫn đến ngừng thở, xanh tím do co thắt cơ hô hấp, cơ thanh quản gây ra. Ngoài ra trẻ sẽ bị mất nước, tăng hoặc giảm thân nhiệt, tăng huyết áp (do rối loạn thần kinh thực vật).
Bệnh uốn ván rốn được chia làm bốn thể gồm:
– Thể tối cấp: Thời gian ủ bệnh dưới 7 ngày. Ở thể này trẻ sẽ xuất hiện các cơn co giật kéo dài hằng giờ, xuất hiện những cơn tím tái, ngừng thở.
– Thể thể nặng: Thời gian ủ bệnh 7 – 8 ngày, cơn co giật xảy ra nhưng không kéo dài, ít xảy ra cơn ngưng thở.
– Thể trung bình: Thời gian ủ bệnh 9 – 10 ngày, cơn giật thưa ngắn. Không xảy ra cơn ngưng thở, trẻ vẫn hồng hào.
– Thể nhẹ: Thời gian ủ bệnh hơn 10 ngày. Cơn co cứng rất thưa, trẻ mở mắt, khóc được, không có cơn ngừng thở.
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh uốn ván rốn gây 10% tử vong sơ sinh, đứng hàng thứ hai sau sinh non. Tử vong có thể xảy ra ngay sau những ngày đầu tiên khởi bệnh nhưng cũng có thể chậm hơn, trong tuần thứ hai hoặc lâu hơn, nguyên nhân do ngừng tim, ngừng thở hoặc do bội nhiễm phổi, sặc chất nôn, mất nước cấp. Đối với những trẻ điều trị kịp thời, tiến triển tốt, trẻ sẽ giảm từ từ những cơn co thắt và co cứng từ cuối tuần thứ hai nhưng chỉ có thể cho trẻ bú sau 12 – 15 ngày. Nhiều trường hợp co cứng có thể tồn tại hơn một tháng; bên cạnh đó, trẻ còn có thể gặp các di chứng của bệnh uốn ván như gãy xương, tổn thương cơ và khớp.
Uốn ván rốn sơ sinh rất nguy hiểm cho trẻ, do đó, các phụ huynh cần có ý thức phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm chủng vắc xin. Phải tiêm chủng vắc xin đầy đủ cho trẻ em, đồng thời tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai vì bệnh có thể truyền từ mẹ sang con. Trong thời gian mang thai cần phải quản lý thai nghén tốt, tránh đẻ rơi, đẻ tại nhà. Trường hợp tự cắt rốn thì buộc phải chăm sóc rốn và cắt rốn bằng dụng cụ vô trùng. Cần bài trừ tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học, cắt rốn bằng mảnh chai, lưỡi liềm. Trường hợp phải cắt rốn nhưng trong điều kiện cắt rốn không vô trùng thì cần phải tiêm phòng SAT 1000-1500 UI.
Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị bằng các bài thuốc dân gian, truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Ngọc Lan – Mai Lê