“Thành phố trong Thủ đô”
Theo đó, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XVI, diễn ra từ ngày 4 đến 8/12, xét tờ trình của UBND TP đề nghị thông qua đồ án, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô là toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, quy mô 3.359,84km2.
Nội dung trọng tâm của việc điều chỉnh nhằm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô, nắm bắt các cơ hội phát triển mới, định hướng cho các ngành kinh tế chủ đạo, như: dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm.
Hà Nội sẽ áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics;… để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Lê Hoàng Phương – Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065 có thêm các nội dung trọng tâm điều chỉnh và đề xuất mới. Đồ án đề xuất mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), từ đó hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội sẽ có cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm); hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 1 trung tâm (khu vực nội đô), 3 vành đai, 8 trục hướng tâm và 1 trục không gian cảnh quan sông Hồng; 5 vùng đô thị nông thôn. Hệ thống đô thị phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai.
Thủ đô sẽ được xây dựng là TP kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế – xã hội của Quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng; sân bay thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng); cải tạo và tái thiết đô thị…
Đồ án điều chỉnh, bổ sung các tuyến cao tốc đô thị, đường sắt trên cao, đường trục đô thị kết nối đô thị trung tâm với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ 2 (dự kiến nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến đường trục phía Nam, đường Ngọc Hồi – Phú Xuyên thành cao tốc đô thị kết nối); bổ sung, tăng cường kết nối giao thông qua các sông lớn (bổ sung thêm các cầu đường bộ, cầu đường sắt đô thị kết hợp đi riêng hoặc đi chung với cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà).
Cần có định hướng cho từng khu vực không gian
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch cần làm rõ hơn nữa vị thế của Hà Nội, vấn đề về dân số, phát triển kinh tế, sử dụng đất đai; đảm bảo khung hạ tầng kết nối; làm rõ định hướng phát triển trục sông Hồng; phát triển mô hình đô thị sân bay, đô thị theo mô hình TOD.
Hà Nội cần có định hướng rõ cho từng khu vực không gian; TP phía Tây cần phải xây dựng cấu trúc, định hướng phát triển rõ ràng; có lộ trình xây thêm các cây cầu để kết nối với trục sông Hồng, tạo điểm nhấn và nêu bật vị trí của sông Hồng; tập trung các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nguồn lực thực hiện; nghiên cứu kỹ công tác xử lý nước thải.
Đóng góp vào đồ án này, PGS.TS.KTS Lương Tú Quyên, giảng viên khoa Quy hoạch đô thị – nông thôn, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, ngoài các yếu tố trên, Hà Nội cần tiếp tục duy trì vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh lồng ghép với khu vực đô thị nhằm mục đích cân bằng sinh quyển, cân bằng vi khí hậu và cân bằng chất lượng không khí, tăng cường khả năng tự làm sạch của đô thị; Bảo đảm sự liên tục, tạo vành đai phát triển đa dạng sinh học, tiến tới xây dựng thành phố hài hòa, bình đẳng với môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng trong đô thị.
|