Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thời gian qua xác định các nhóm giải pháp nhằm xây dựng hệ sinh thái số, qua đó góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và tích hợp trong hệ thống dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% các sản phẩm công nghệ số gồm: thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; công việc được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử, trình ký văn bản, các chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin của tỉnh, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dùng chung ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập và các phần mềm ứng dụng dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có; hoàn thành cơ sở dữ liệu số nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, quy hoạch, thống kê, báo cáo, phân tích số liệu…
Đồng thời, phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra có trên 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái nông nghiệp số; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong các đơn vị thuộc ngành. Thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp…”
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh tập trung xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về kỹ thuật, quy trình canh tác cho từng cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ người sản xuất và các cơ quan chuyên trách truy cứu, ứng dụng. Đồng thời, giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới, kết quả các đề tài nghiên cứu để chia sẻ thông tin cho người sản xuất và cán bộ quản lý.
Lâm Đồng hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh. Toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử; công nghệ đèn LED…; 13 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 182 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng quy mô chuyển đổi số trong nông nghiệp, phấn đấu 50% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 50% doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp được kinh doanh qua mạng.
Vũ Việt