Bám sát những diễn biến từ thị trường, triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch nửa đầu năm 2024, có tăng trưởng so với năm 2023.
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, đồng chí Lê Ngọc Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn và đồng chí Trần Quang Dũng – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn chủ trì hội nghị.
Năm 2024 được Petrovietnam xác định là năm then chốt, cần tăng tốc và bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025; cùng với đó là các biến động khó dự báo tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn. Chính vì vậy, ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Petrovietnam đã quyết tâm, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cùng với các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra cũng như mục tiêu tăng trưởng.
Với phương châm hành động năm 2024 là “Quản trị biến động, bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới, vươn tới đỉnh cao mới”, Petrovietnam đặt ra mục tiêu “khát vọng hơn” cùng những thách thức cao hơn so với kế hoạch Chính phủ, Bộ/ngành giao, với mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước, chủ động cân đối, xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch từng tháng, từng quý trong năm 2024. Petrovietnam đã bám sát diễn biến thị trường: tài chính, các sản phẩm năng lượng, đặc biệt là biến động giá sản phẩm dầu thô, chế biến bao gồm lọc dầu, hóa dầu, phân bón để có các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh,…
Petrovietnam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể các nhóm giải pháp trọng tâm. Nhờ đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, duy trì ổn định tại tất cả các lĩnh vực hoạt động, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng so với mức suy giảm bởi các yếu tố vĩ mô như tài chính, thị trường… và đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn có 02 phát hiện dầu khí mới (tại Lô 09-1, mỏ Rồng và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster). Đây là kết quả rất đáng khích lệ vì suốt trong giai đoạn năm 2019 – 2023, chỉ có năm 2023, Tập đoàn mới có 02 phát hiện dầu khí trong một năm. Điều này là minh chứng Tập đoàn đã thực hiện tốt phương châm hành động của năm 2024 là “Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ” để phát triển.
Về sản xuất, ngoại trừ chỉ tiêu sản xuất điện (đạt 95,9%) do yếu tố khách quan, tất cả các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu còn lại đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng từ 2,7 – 33,1%, tăng 1,4-21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong hoạt động tài chính, Petrovietnam tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị, do đó, các chỉ tiêu tài chính hầu hết hoàn thành vượt mức kế hoạch, duy trì mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận hóa dầu giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2023 ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả hoạt động của lĩnh vực lọc hóa dầu, đều hoàn thành vượt mức từ 20-77% kế hoạch 6 tháng và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Công tác đầu tư được Petrovietnam ưu tiên đẩy mạnh trong năm 2024. Với sự hỗ trợ tháo gỡ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ/ngành, các “nút thắt, điểm nghẽn” trong đầu tư tại các dự án trọng điểm của Tập đoàn đã từng bước được xem xét, tháo gỡ. Giá trị giải ngân đầu tư 6 tháng đầu năm ước đạt 15,55 nghìn tỷ đồng, tăng 81,3% so với thực hiện năm 2023.
Về đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, Petrovietnam xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức bài bản, khẩn trương và quyết liệt, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động và xu hướng phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới.
Công tác chuyển đổi số, triển khai ERP và an ninh mạng trong toàn Tập đoàn được chú trọng triển khai tích cực, hiệu quả. Công ty mẹ – Tập đoàn đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống ERP giai đoạn 1; hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu: lĩnh vực E&P – Giai đoạn 1, lĩnh vực Công nghiệp Điện và Năng lượng tái tạo; lĩnh vực Công nghiệp khí, Lọc hóa dầu, Dịch vụ dầu khí; Xây dựng ERP giai đoạn 3… Công tác đảm bảo an ninh mạng trong toàn hệ thống của Tập đoàn được tập trung triển khai, góp phần quan trọng trong đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ ứng dụng Nhà máy thông minh tại một số đơn vị như BSR, PVCFC, Vietsovpetro, PV Power, Thái Bình 2, Sông Hậu 1;…
Công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Công tác an sinh xã hội (ASXH) tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện theo cam kết. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn và các đơn vị có vốn của Tập đoàn đã triển khai các chương trình ASXH với tổng mức kinh phí là 456,4 tỷ đồng. Công tác tiết kiệm chống lãng phí của Tập đoàn tiếp tục được đẩy mạnh, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 toàn Tập đoàn đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch tiết giảm năm 2024.
Tại hội nghị, lãnh đạo, đại diện các ban chuyên môn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn và các đơn vị thành viên gặp phải, từ đó đưa ra các giải pháp, đề xuất, kiến nghị để đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược, phát triển của Tập đoàn.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục nhất quán với quan điểm chỉ đạo, điều hành là quyết tâm giữ vững mục tiêu quản trị đặt ra; tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, bằng các giải pháp hiện thực hoá mục tiêu kế hoạch đặt ra, tạo tiền đề thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển 5 năm và đề án tái cấu trúc Tập đoàn. Hiện nay, 10/12 chỉ tiêu theo kế hoạch 5 năm của Tập đoàn đã được hoàn thành, đặc biệt là 2 chỉ tiêu rất quan trọng là lợi nhuận và nộp ngân sách.
Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu toàn Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để các đơn vị trong các lĩnh vực chủ động trong triển khai công việc; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích các đơn vị hoạt động hiệu quả.
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tập trung xây dựng chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn đồng bộ với chiến lược của từng lĩnh vực; Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách đã đề xuất, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, quy định của pháp luật về: LNG, khí trong nước, thuế suất, hoàn thiện các quy định theo hướng dẫn triển khai Luật Dầu khí… tạo động lực cho triển khai công việc.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các chuỗi liên kết giá trị trong Tập đoàn, từ đó tạo điều kiện để giám sát, đôn đốc các đơn vị tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao, hoàn thành kế hoạch quản trị; Tập trung đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tạo ra các động lực mới, thúc đẩy công tác đầu tư trong thời gian tới; nghiên cứu, đánh giá triển khai các mô hình kinh doanh mới phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như các đơn vị.
Cách đây 65 năm, trong chuyến thăm chính thức Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí tại Baku, Azerbaijan. Chính từ đây, Người đã đề nghị: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng hãy giúp đỡ Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp Dầu khí mạnh”. Câu nói của Bác chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Trải qua 65 năm thực hiện mong ước của Bác, với 49 năm xây dựng và phát triển, lớn lên cùng đất nước, tập thể cán bộ, công nhân lao động Dầu khí qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật then chốt và chủ lực của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước.
Tường Vy