Nữ nhà báo da màu Alice Dunnigan của tờ Associated Negro Press không chỉ được coi là nữ nhà báo tiên phong, gắn kết quan hệ giữa Nhà Trắng và giới báo chí, bà còn được biết đến với những nỗ lực đấu tranh vì quyền của người da màu và chống phân biệt chủng tộc đối với người gốc Phi.
Nữ nhà báo tiên phong
Nữ nhà báo Alice Dunnigan (1906-1983) là nhà báo người Mỹ gốc Phi đầu tiên đảm nhiệm vai trò phóng viên tại Nhà Trắng và là thành viên nữ da màu đầu tiên của phòng báo chí Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Bên cạnh đó, bà còn được công chúng biết đến là nhà hoạt động dân quyền năng nổ.
Đam mê viết lách từ nhỏ, năm 13 tuổi, bà Dunnigan đã bắt đầu viết tin và trở thành cộng tác viên cho tờ Owensboro Enterprise ở địa phương. Bà thường xuyên tự học và trau dồi kỹ năng đưa tin của mình sao cho chuyên nghiệp nhất trong suốt những năm tháng trung học.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, năm 1946, bà trở thành cây viết chính của Chicago Defender – tờ báo uy tín với người Mỹ gốc Phi. Sau khi nhận được thẻ báo chí ở Thủ đô Washington, bà được giao phụ trách đưa tin về Quốc hội. Đây được xem là bước ngoặt đầu tiên đối với bà, giới phóng viên và cả công chúng Mỹ, bởi từ trước đó, hầu hết các phóng viên, công chúng, đặc biệt là phụ nữ và người Mỹ gốc Phi không được phép tham gia những sự kiện của Quốc hội.
Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến năm 1961, bà Alice Dunnigan giữ chức Trưởng văn phòng đại diện tại Washington của tờ Associated Negro Press – tờ báo được thành lập năm 1919 chuyên viết về người da màu và đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đối với người gốc Phi.
Bà còn có vinh dự trở thành nhà báo da màu đầu tiên tháp tùng Tổng thống Harry S. Truman công du, đưa tin về chuyến vận động tranh cử năm 1948 của ông. Cũng trong năm 1948, bà trở thành nữ phóng viên Nhà Trắng người Mỹ gốc Phi đầu tiên và là phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Phụ nữ. Sự liên kết với tổ chức này và các hiệp hội khác đã cho phép bà đến nhiều nơi và trở thành cầu nối quan trọng giữa chính phủ Mỹ và giới báo chí.

Đấu tranh cho quyền của người da màu
Là một nữ phóng viên đầu quân cho tờ báo bảo vệ người da màu nên các phong trào dân quyền và chống nạn phân biệt chủng tộc luôn là những chủ đề phổ biến trong các bài viết của bà.
Sức ảnh hưởng của bà được giới báo chí thời đó đánh giá là vượt xa khỏi phòng tin tức khi các bài viết của Dunnigan về Phong trào Dân quyền đã được đăng tải trên hơn 100 tờ báo của người Mỹ gốc Phi trên khắp đất nước, thu hút hàng triệu người tham gia Phong trào.
Bà đưa tin về các phiên điều trần của Quốc hội, nơi các chính trị gia thường né tránh trả lời những câu hỏi hóc búa liên quan đến vấn đề chủng tộc của bà. Dunnigan viết trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi luôn cảm thấy nghề báo giống với cuộc thập tự chinh – phải luôn chiến đấu để tìm ra sự thật. Tôi đến dự mọi cuộc họp báo với hàng tá câu hỏi, và cho dù tôi có nhận được câu trả lời hay không thì tôi cũng đã có một câu chuyện cho bài viết tiếp theo của mình”.
Trong suốt cuộc đời của mình, bà Dunnigan luôn nỗ lực trau dồi để có những bài viết sắc sảo, cũng như biến ngòi bút trở thành vũ khí đấu tranh cho quyền của người da màu và chống nạn phân biệt chủng tộc. Bà đã nhận được hơn 50 giải thưởng báo chí lớn. Năm 1970, sau gần 30 năm làm phóng viên chuyên trách tại Nhà Trắng, bà lui về và cho ra mắt cuốn tự truyện mang tên “Trải nghiệm của người phụ nữ da màu: Từ ngôi trường đến Nhà Trắng” kể về những thăng trầm trong suốt cuộc đời làm nghề báo của bản thân, cùng những chiêm nghiệm về cuộc sống.
Bà là một trong những nhà báo đầu tiên được ghi tên vào Đại sảnh Danh vọng Nhà báo Da màu vào năm 1985. Những cánh cửa bà mở ra đã tạo nên một di sản còn vang vọng cho đến ngày nay, không chỉ đối với người Mỹ gốc Phi mà còn đối với phụ nữ nói chung.