Dạo gần đây nhiều người xôn xao về “báu vật” vừa được dùng như 1 loại thảo dược lại vừa có công dụng như 1 loại gia vị đặc biệt. Hơn thế nữa, loại thảo dược này còn có công dụng thần thánh – khôi phục chất chống oxy hóa, ngăn ngừa khả năng gây bệnh ung thư… và còn cả làm đẹp nữa. Và loại thảo dược được nhắc đến ở đây chính là Saffron (nghệ tây).Saffron là gì? Saffron là tên gọi của một loại gia vị được sản xuất từ nhụy hoa nghệ tây – một loài cây lâu năm cho hoa vào mùa thu. Loài cây này thích ứng tốt với loại khí hậu đặc biệt của vùng đất Địa Trung Hải với những con gió mùa hè nóng và khô. Chính vì vậy những quốc gia như Iran, Hy Lạp, Maroc và Kashmir được cho là thủ phủ của việc trồng và sản xuất saffron, đặc biệt là Iran khi đất nước này sản xuất 90% số nghệ tây trên toàn thế giới mỗi năm. Nói đến Saffron, có lẽ điểm đầu tiên mà người ta ấn tượng chính bởi cái giá cao ngất ngưởng của chúng. Đối với sản phẩm nghệ tây có chất lượng cao nhất, giá của nó có thể lên tới 65USD/gr (khoảng 1,4 triệu VND/gr). Và không sai khi nói rằng, nghệ tây đắt hơn rất nhiều thứ kim loại quý và được cho là “vàng đỏ”.Vậy tại sao Saffron lại có giá cao đến thế? Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta cần phải xét đến cách người ta làm ra Saffron. Saffron chính là phần nhụy của bông hoa nghệ tây. Và bạn biết không, mỗi cây hoa nghệ tây chỉ có 4 hoa, mỗi bông hoa có 3 nhụy. Để thu hoạch Saffron, người ta phải hái bằng tay từng sợi trong bông hoa, và để thu được 1kg nghệ tây sẽ cần phải hái từ 11.000 đến 17.000 bông hoa nghệ tây. Việc thu hoạch này mất khoảng 40 giờ trong điều kiện bình thường – tức là tương đương với thời gian đi làm một tuần của công nhân viên chức chỉ để tạo ra 1 kg thành phẩm chưa phân loại. Sau khi phân loại, saffron được chia thành những loại như sau: – Negin: loại tốt nhất, được chọn từ những sợi nhụy chất lượng cao và đã cắt bỏ phần chân nhụy. – Sargol: thua Negin một chút khi dùng những sợi nhụy nhỏ và mảnh hơn. – Pushali: đây là loại không cắt bỏ phần chân nhụy màu vàng và phần thân trên màu đỏ để tăng trọng lượng, chất lượng cũng kém hơn hai loại trên. – Bunch: là loại được thu hoạch nguyên sợi nhụy, bó lại từng bó nhỏ nên khó kiểm tra được chất lượng sợi nhụy bên trong. – Konji (konge): chính là phần gốc được cắt bỏ từ loại negin và sargol. Mỗi loại đều có giá thành khác nhau, tùy theo chất lượng và dao động từ khoảng 1.100 đến 11.000 USD/kg (khoảng 25 – 250 triệu VND/kg), biến saffron trở thành loại gia vị đắt nhất thế giới.
Nhưng Saffron “đắt có xắt ra miếng”? Có khá nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, gia vị nghệ tây có nhiều công dụng với sức khỏe. Nghiên cứu đăng tải trên Eurekalert chỉ ra rằng gia vị nghệ tây có tác dụng ngăn chặn các tác động của một loạt các hợp chất hóa học có khả năng gây ra căn bệnh ung thư và khôi phục các chất chống oxy hóa (như superoxide dismutase) có tác dụng ức chế các tế bào ung thư. Trước đó, cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của nhụy hoa nghệ tây có công dụng chống lại trầm cảm, bệnh mất trí nhớ, hay đóng vai trò như một chất chống oxy hóa nữa. Và gần đây nhất là việc chị em rỉ tai nhau công dụng làm đẹp của Saffron. Theo đó, trong saffron có một loạt các loại thành phần hóa học như vitamin A, đồng, kali, sắt, kẽm, axit folic, và một số loại sắc tố tan trong dầu như alpha-carotene, beta-carotene…
Những thành phần này kết hợp với nhau tạo thành mùi vị, màu sắc, hương thơm đặc biệt của nghệ tây và có tác dụng đến sức khỏe, làn da người dùng. Nói riêng về làm đẹp, Saffron được dùng như 1 thành phần của các loại mặt nạ khi có tác dụng giảm sắc tố, làm sáng da, đặc biệt là vùng da mặt và quầng thâm dưới mi mắt, cũng như làm mờ sẹo, vết thâm. Chỉ cần trộn vài sợi nhụy hoa nghệ tây với một lượng mật ong vừa đủ dùng, massage hoặc đắp mặt 2 đến 3 lần/ tuần. Làn da sẽ thay đổi rõ rệt sau vài tháng sử dụng. Ngoài ra, nhụy hoa nghệ tây còn có tác dụng dưỡng và làm giảm khô da: một trong những tác dụng đáng giá nhất của saffron chính là khả năng chống oxy hóa, chống vi khuẩn. Sử dụng mặt nạ húng quế và saffron sẽ có tác động tích cực lên những vùng da khô và nhiều mụn.Cách phân biệt hàng thật hàng giả
Với giá trị kinh tế như vậy, hẳn nhiên saffron sẽ bị làm giả rất nhiều. Ngay từ thời Trung cổ, người ta đã phát hiện ra những trường hợp trộn lẫn saffron thật với tạp chất như củ cải đường, xơ quả lựu, lụa nhuộm đỏ… saffron dạng bột còn dễ làm giả hơn với các chất độn như bột nghệ, bột ớt… Để phân biệt thật giả cho saffron dạng sợi, cách dễ nhất chính là dùng một vài sợi ngâm nước lạnh. Nếu là hàng giả, saffron sẽ tan rất nhanh vào nước nhưng lại không có mùi thơm đặc trưng, mùi cỏ cây, mật ong. Vò nhẹ sợi sau khi ngâm sẽ thấy mềm và tan ra. Ngược lại, saffron thật cần đến 10 phút để ra màu đỏ cam, không lẫn màu trắng hay vàng và nước rất thơm. Sợi saffron khi cầm lên vò nhẹ thấy có độ dai nhất định và chỉ bị đứt đoạn chứ không tan.