Hà Nội được biết đến là mảnh đất có nhiều nghề, phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Ít ai biết, để làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển, đã có sự đóng góp, gìn giữ của không ít những nữ nghệ nhân. Họ vun bồi nên sức sống làng nghề. Không chỉ vậy, ngoài sự nhiệt huyết thì điểm chung giữa những người phụ nữ ấy chính là khát vọng đưa sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa.
Bền bỉ giữ nghề
Chàng Sơn vốn là một làng nghề làm quạt truyền thống nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Người trong làng luôn tự hào những sản phẩm làm ra từ làng chứa đựng giá trị thẩm mĩ, bề dày lịch sử, triết lý đời sống và nét đẹp văn hóa của cả dân tộc Việt Nam.
Ở trong vùng, nhắc đến bà Nguyễn Thị Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Chàng Sơn ai cũng biết. Phần vì bà là một trong những người tâm huyết với nghề, phần khác bởi cơ sở sản xuất của người phụ nữ này đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hỏi ra mới biết, bà Nguyễn Thị Tuấn khởi nghiệp với nghề làm quạt khi bước sang tuổi 50.
Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là làm mát, bà Nguyễn Thị Tuấn đã mày mò, nghiên cứu và đầu tư cải tiến sản phẩm. Bà dành thời gian tìm hiểu và thử nghiệm từng công đoạn từ chặt, chẻ nan tre, đến nghiên cứu cách xử lý mùi, mốc và màu sắc cho nan tre, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất mới, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.
Với số vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn vài triệu đồng cùng một website do con trai lập cho, bà Nguyễn Thị Tuấn đã phát triển thương thiệu quạt Chàng Sơn, được tham gia trưng bày giới thiệu ở những sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng của Hà Nội và đất nước. Những chiếc quạt nhỏ mang theo những khéo léo, tinh túy của người thợ Chàng Sơn cũng theo chân du khách đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng giành nhiều tâm huyết với nghề truyền thống giống như bà Nguyễn Thị Tuấn. Ở làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín) nghệ nhân Hoàng Thị Khương cũng bền bỉ giữ gìn nghề thêu suốt nhiều năm nay. Là người khuyết tật, lại đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thường Tín, nghệ nhân Hoàng Thị Khương cho biết, tính đến nay bà là đời thứ 4 tiếp nối nghiệp thêu của gia đình. Theo lời nghệ nhân Hoàng Thị Khương, nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và điêu luyện thì chắc không đâu bằng người Quất Động.
Nghe kể, nghề thêu Quất Động có cách đây khoảng gần 400 năm, từ giữa thế kỷ XVII, do vị quan thời Lê có tên là Lê Công Hành truyền dạy. Người Quất Động yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn họ đều ngồi thêu. Từng có thời điểm nghề thịnh đến mức gần như nhà nào cũng có khung thêu. Thế nhưng, nghề cũng có lúc thịnh lúc suy song để tiếp nối nghề thì vẫn luôn có những nghệ nhân mang niềm đam mê và say nghề.
Nhắc chuyện nghề, nghệ nhân Hoàng Thị Khương bật mí, để giỏi ở trong nghiệp thêu thùa, ngoài sự chuyên cần thì người thợ phải có sáng tạo cá nhân. Chính bởi tâm niệm ấy cùng niềm say mê sáng tạo không ngừng, nữ nghệ nhân đã cho ra đời những bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm thế giới và có giá trị kinh tế. Tiêu biểu như tác phẩm thêu “Hồn quê”, bức tranh “Sơn thủy hữu tình”, bức “Mã đáo thành công”… Khi ngắm những bức tranh của nghệ nhân Hoàng Thị Khương, điều đặc sắc nhất chúng tôi thấy được là cái “thần” và cái “hồn” trong tác phẩm.
Với những sản phẩm tâm đắc của mình, nghệ nhân Hoàng Thị Khương luôn ấp ủ sẽ có một ngày xây dựng được một phòng triển lãm về làng nghề. Khi đó, người ở khắp mọi nơi tìm về Quất Động có thể được chiêm ngưỡng những sản phẩm quý được làm ra từ đôi bàn tay người thợ.
Mong làng nghề vươn xa
Nhắc đến làng dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức là nhắc đến vùng đất in dấu nghề qua gần 100 năm tuổi. Làng nghề có khởi nguồn là ươm tơ dệt lụa qua các thời kỳ hợp tác xã, bao cấp của Nhà nước, sau người dân chuyển đổi sang sản xuất các các mặt hàng gia công và xuất khẩu sang Liên Xô cũ. Đến nay, làng nghề chuyển sang cơ chế thị trường các hộ gia đình, các công ty, doanh nghiệp hình thành và phát triển.
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống, nghề dệt ở Phùng Xá cũng có thời điểm rơi vào cảnh thâm trầm, hoang lạnh. Các sản phẩm của làng rớt giá, tiêu thụ khó khăn, người làm nghề vì thế cũng dần buông bỏ, không còn tha thiết. Đau đáu những năm giá tằm rớt thê thảm, nghệ nhân Phan Thị Thuận (là 1 trong 9 “Công dân ưu tú” của Thủ đô năm 2021) đã nung nấu quyết tâm đi tìm đầu ra cho tơ tằm.
Bà làm thành một quy trình sản xuất khép kín, ở đó, tự con tằm sẽ dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt giải Nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015. Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, có mặt ở những thị trường “khó tính” bậc nhất như Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út…
“Dạy” tằm dệt cửi thành công, nghệ nhân Phan Thị Thuận tiếp tục nung nấu và nghiên cứu việc “bắt sen nhả tơ”. Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen còn khó khăn gấp bội so với huấn luyện tằm nhưng bà đã thành công khi làm ra được chỉ thêu từ tơ sen. Từ tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Lụa tơ sen ngay lập tức tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Các sản phẩm từ làng nghề vì thế cũng ngày một vang xa, được khắp xa gần biết đến.
Năng động, sáng tạo và say mê nghề truyền thống của làng, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu đưa tên tuổi làng nghề vươn xa.
Nhớ lại thuở mới làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cho biết, trước đây bà làm trong Hợp tác xã sơn mài Hạ Thái. Đến quãng năm 1991, Hợp tác xã giải thể, bà về làm tại gia đình. Thời điểm đó, để bán hàng, bà đạp xe từ Duyên Thái vào phố Hàng Khay để giao hàng cho khách. Trải qua thời gian khách hàng quen với các sản phẩm của xưởng, thị trường tiêu thụ từ đó dần mở rộng.
Là người có kinh nghiệm vài chục năm trong nghề, kế thừa kinh nghiệm truyền dạy của thế hệ cha ông kết hợp với sự bắt nhịp xu hướng mới, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi nắm chắc quy trình sản suất truyền thống, đặc biệt là các loại cốt, nước sơn, kỹ thuật trang trí… từ đó tạo ra các sản phẩm có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao. Đáng mừng là, năm 2021, 2022 gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm: Lọ hoa sơn mài cốt gốm hình xoài; bình hoa sơn mài cốt gốm hoa sen; tranh sơn mài Tùng Hạc… Đây đều là những sản phẩm có sự sáng tạo với độ thẩm mỹ cao.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, điều khiến bà vui nhất là Thành phố Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều chính sách để giúp làng Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình. Năm 2020, Hạ Thái được công nhận là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội.
Nhìn những nỗ lực, sự cố gắng của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Phan Thị Thuận, Hoàng Thị Khương, Nguyễn Thị Tuấn… họ không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới.
Đinh Luyện