Xơ vữa mạch máu hay xơ vữa động mạch là nỗi lo về bệnh tật của mọi người.
Mảng xơ vữa có khả năng gây ra các tai họa mà không một ai có thể lường trước được. Đó có thể là một cơn đau kinh hoàng hoặc là… đột tử!
Xảy ra bất kỳ giai đoạn nào
Hệ thống mạch máu đóng vai trò như hệ thống ống dẫn chuyển máu tốt, giàu oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi các bộ phận cơ quan ở khắp cơ thể qua những động mạch từ to đến rất nhỏ. Tĩnh mạch làm nhiệm vụ thu gom máu xấu, nghèo oxy và nghèo chất dinh dưỡng trở về tim để kết thúc vòng tuần hoàn.
Nói đến xơ vữa mạch máu là nói đến xơ vữa động mạch. Ở người trẻ tuổi mạch máu mềm mại và có tính đàn hồi tốt. Khi tuổi tác càng cao thì tính đàn hồi và sự mềm mại đó không còn nữa. Bởi vì cùng với tháng năm, có rất nhiều chất lắng đọng lại trong lòng mạch, đặc biệt là cholesterol và các chất béo khác. Sự lắng đọng này tạo nên các “mảnh hỗn hợp” cứng và nhỏ, được gọi mảng xơ vữa.
Xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào trong hệ thống động mạch. Nhưng thường gặp nhất ở các khu vực động mạch sau đây: Động mạch vành tim, động mạch cảnh, động mạch chủ và động mạch chi dưới. Khi mảng xơ vữa hình thành, lòng động mạch dần hẹp theo thời gian.
Nếu mảng xơ vữa bị nứt vỡ và di chuyển từ động mạch lớn sang động mạch nhỏ hơn sẽ tạo thành cái nút gây ra sự bít tắc. Lúc này, tai họa sức khỏe ập đến. Tùy theo nhánh động mạch bị tắc mà các hình thức biến cố tim mạch sau đây sẽ đối mặt, gồm: Nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu phổi, hoặc tắc mạch chi trên, tắc mạch chi dưới…
Mặc dù có khuynh hướng trẻ hóa, nhưng hiện tượng xơ vữa mạch máu chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, vì sự lắng đọng các chất trong lòng mạch máu tiến triển dần dần theo thời gian. Song, cùng một độ tuổi, thậm chí cùng một điều kiện sinh hoạt nhưng người này mắc bệnh, người kia lại không mắc cùng bệnh đó.
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra sự xơ vữa vẫn chưa biết được một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều yếu tố thúc đẩy sự hình thành mảng xơ vữa.
Thông thường, mảng xơ vữa bắt đầu được tạo thành do lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương từ các “lý do”: Đường huyết cao, huyết áp tăng, nghiện thuốc lá và hàm lượng mỡ máu (lipid) trong máu cao.
Có thể ào đến bất ngờ
Các đối tượng có nguy cơ cao bị xơ vữa mạch máu gồm: Người mắc bệnh béo phì, ít vận động, bị rối loạn lipid máu, ăn nhiều chất béo, nhiều đường, uống nhiều nước ngọt và bia rượu.
Xơ vữa mạch máu tiến triển một cách âm thầm và không có bất cứ một biểu hiện nghi ngờ nào cho đến khi “sự cố sức khỏe” ào đến với các biểu hiện của bệnh lý liên quan đến sự xơ vữa của một đoạn động mạch nào đó:
– Xơ vữa mạch vành: Mạch vành cung cấp máu cho tim. Nếu mạch vành bị hẹp hoặc tác nghẽn sẽ gây các cơn đau thắt ngực. Nếu cơn đạt thắt ngực kéo dài, không đỡ khi nghỉ ngơi và đặc biệt là không đáp ứng với các loại thuốc tim mạch thông thường đang sử dụng thì chắc chắn đó là trường hợp bị nhồi máu cơ tim.
Tiến triển của bệnh mạch vành có thể dẫn đến suy tim mạn tính với các biểu hiện như khó thở khi gắng sức, các cơn khó thở về đêm và nặng hơn nữa là khó thở thường xuyên.
– Xơ vữa động mạch chi dưới: Khi lòng động mạch hẹp hoặc tắc nghẽn gây biểu hiện khô da, da lạnh và teo cơ do thiếu máu nuôi dưỡng. Có bước đi “đi lặc cách hồi” – nghĩa là đi một đoạn thấy đau chân quá, dừng nghỉ cho đỡ đau rồi đi tiếp. Hiện tượng này liên tục lặp đi lặp lại như thế.
– Xơ vữa động mạch cảnh: Động mạch cảnh trái và phải cung cấp máu cho tuần hoàn não. Sự thiếu nguồn cung cấp máu cho não do xơ vữa mạch máu có thể gây ra cơn đột quỵ não do nhồi máu não và người bệnh có thể tử vong.
Nhìn chung, nhiều trường hợp người bệnh bị tai biến mạch máu não thì thầy thuốc mới phát hiện là do bị hẹp động mạch cảnh. Các biểu hiện của tai biến mạch máu não do nhồi máu não thường gặp là: Yếu hay liệt 1/2 thân người, nhìn mờ đột ngột, nói khó, ý thức suy giảm nhanh chóng.
– Xơ vữa động mạch chủ: Xơ vữa động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng gây ra hậu quả phình động mạch chủ. Giai đoạn khởi đầu và tiến triển của phình động mạch chủ gần như không có bất cứ biểu hiện nghi ngờ nào.
Nhưng nếu đột nhiên vỡ đoạn động mạch bị phình thì máu thoát khỏi lòng động mạch gây ngập tràn các khoang cơ thể làm nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Các biểu hiện thường gặp khi động mạch phình quá to hoặc sắp vỡ như đau ngực, nuốt khó, khàn tiếng, đau bụng, đau lưng, phù mặt cổ và chi trên do hiện tượng chèn ép các tổ chức trong lồng ngực, cảm giác có khối ở bụng đập theo nhịp đập trái tim. Khi vỡ phình, người bệnh cần được mổ cấp cứu ngay.
Việc điều trị bệnh xơ vữa mạch máu tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nhưng nhìn chung nhắm vào các mục tiêu như kiểm soát huyết áp, đường máu, chống rối loạn lipid máu, dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Nong hoặc đặt stent cho các đoạn động mạch hẹp, phẫu thuật bóc tách nội mạc hoặc bắc cầu thay thế đoạn bị hỏng.
Phòng xơ vữa mạch máu trước tiên là hạn chế các yếu tố tạo nguy cơ cao như điều trị và kiểm soát có hiệu quả các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hạn chế hút thuốc lá và uống bia rượu. Thực hiện chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý, như không ăn nhiều mỡ động vật, không ăn nhiều đường, không uống nhiều nước ngọt có ga. Thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể, không ngồi bất động hoặc nằm quá lâu một cách lười biếng.
Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước