Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về chuyên môn. Với 66 ca ghép gan cho trẻ em, trong đó có 48 ca tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam.
Thêm hy vọng sống cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số 66 ca ghép gan cho trẻ em đã thực hiện tại viện, có nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp như: Ghép gan bất đồng nhóm máu, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp,… đã được thực hiện thành công.
Để tạo nên những dấu mốc trên là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn của các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, góp phần mang đến rất nhiều hy vọng sống cho trẻ em mắc bệnh lý hiểm nghèo như: Teo mật bẩm sinh, suy gan, ung thư gan,…
Có mặt tại Khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi Trung ương vào cuối tháng 9 để kiểm tra sức khỏe định kỳ sau ghép gan, nếu chỉ nhìn qua, không ai nghĩ rằng cách đây hơn 4 năm, bé H.A (6 tuổi, ở Hà Nội) đã trải qua một cuộc đại phẫu ghép gan để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình như hiện tại.
Lúc mới sinh, bé H.A cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, tuy nhiên, khi bé được hơn 1 tháng tuổi, gia đình sững sờ khi biết con bị bệnh teo mật bẩm sinh. Quá trình xơ gan mật tiến triển sau đó khiến bé nhiều lần xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch tính mạng.
Trước tình hình đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và chỉ định cho H.A ghép gan, đây là cách duy nhất để cứu sống trẻ. Rất may mắn, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, mẹ của bé H.A có các chỉ số phù hợp để hiến gan cho con. Ca phẫu thuật song song lấy gan của mẹ ghép cho H.A được các bác sĩ tiến hành vào tháng 2/2020 đã thành công tốt đẹp, bé H.A được cứu sống.
Lần tái khám này, hai mẹ con vui vẻ kể về cuộc sống của bé sau phẫu thuật. Hơn 4 năm sau ghép gan, bé H.A sống khỏe mạnh, mọi chức năng gan hoạt động bình thường, bé đến trường đi học và vui chơi như các bạn nhỏ bình thường khác.
Cũng có mặt tại Khoa Gan mật cùng con tái khám, mẹ bé Đ (17 tuổi) vẫn còn nhớ như in cách đây 14 năm khi con vẫy tay gọi “mẹ ơi” qua cửa kính phòng hồi sức sau khi được các bác sĩ ghép gan thành công, chị chia sẻ: Là người hiến gan cho con, sau 14 năm tôi cảm thấy sức khỏe của mình không bị ảnh hưởng. Gia đình tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều, vì đã giúp con tôi được sinh ra lần hai”.
Chinh phục kỹ thuật đỉnh cao ghép tạng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung ương cho biết: Trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với người mắc bệnh lý gan giai đoạn này, các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả rất thấp, hầu hết đều có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Việc ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu sống trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc ghép gan trẻ em được triển khai từ năm 2005, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm là người định hướng và đặt nền móng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Đầu năm 2021, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận kỹ thuật ghép gan từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau quá trình tiếp cận, phối hợp tham gia từng phần của quy trình kỹ thuật với các chuyên gia trong và ngoài nước, tháng 3/2022, Bệnh viện đã làm chủ toàn bộ quy trình kỹ thuật ghép gan cho trẻ em.
Từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005, Bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công cho 66 ca, trong đó có 48 ca ghép Bệnh viện tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong số các ca ghép tại Bệnh viện, phần lớn là trẻ nhỏ, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện là một bé 9 tháng tuổi, cùng với bệnh nhi có cân nặng thấp nhất (5,6kg), tới nay vẫn giữ kỷ lục là em bé được ghép gan có tuổi đời nhỏ nhất và cân nặng thấp nhất tại Việt Nam. Do đặc điểm giải phẫu của các bệnh nhi còn chưa trưởng thành và hoàn thiện, cấu trúc mạch máu của trẻ rất nhỏ và dễ sang chấn. Do đó kỹ thuật ghép gan cho trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ và tay nghề của các phẫu thuật viên mà còn cần sự kiên trì và quyết tâm.
Trước mỗi cuộc ghép là những khâu chuẩn bị rất công phu với hàng loạt các xét nghiệm tầm soát. Các nhóm chuyên môn phải cùng nhau tiến hành hội chẩn và bàn bạc cụ thể giữa các chuyên Khoa Ngoại, Gan mật, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, Gây mê, Hồi sức,… nhằm tính toán thật kỹ các đặc điểm giải phẫu, cân nhắc về trọng lượng của mảnh ghép,… để tối ưu hóa kết quả ca phẫu thuật.
Phó Giáo sư Phạm Duy Hiền cho hay: Tới thời điểm này, hầu hết các ca ghép gan tại Bệnh viện đều có kết quả tốt, sau ghép gan tỷ lệ sống sau 5 năm của trẻ là hơn 90%. Sức khỏe của trẻ sau ghép diễn biến tốt, chức năng khối ghép dần ổn định, có trường hợp trẻ sau ghép gan không cần phải dùng thuốc thải ghép. Nhờ đó, ngày càng nhiều bệnh nhi được hồi sinh nhờ sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng sự yêu thương của gia đình, người thân đã hiến một phần gan để cứu sống con mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Nhóm bệnh lý gan mật là một trong những nhóm bệnh mà chúng tôi đang rất khó khăn và trăn trở để có thể xử lý tốt nhất cho trẻ em. Ghép gan là phương pháp duy nhất để đem lại sự sống, cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, việc thực hiện ghép gan cho trẻ em hiện nay còn nhiều thách thức.
Trước hết, đó là tình trạng thiếu tạng ghép và chi phí cho ca ghép gan còn cao. Đồng thời, sau ghép gan người bệnh còn phải dùng thuốc chống thải ghép khá tốn kém, nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chi trả. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức để có ngày càng nhiều trẻ em được ghép gan, hồi sinh sự sống.
Minh Khuê