Đa số lao động trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành hoặc vị trí mà họ quan tâm, trong khi các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc. Cùng với đó, việc các doanh nghiệp yêu cầu ngày càng cao về bằng cấp, chứng chỉ cũng như một số ngành, nghề đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ chưa có… đó là những rào cản đối với lao động trẻ trong quá trình tìm việc hiện nay.
Phần nửa vị trí tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp
Thời điểm này, một số lượng lớn học viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học đã tốt nghiệp và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Nguồn cung dồi dào hơn, khiến người lao động cũng sẽ khó khăn hơn khi bắt đầu tham gia vào thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, đặc biệt với nhóm lao động trẻ.
Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong tháng 7, người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 25 – 34 tuổi, số này chiếm 45,8%, nhóm từ 15 – 24 tuổi, chiếm 11,75%. Theo ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có nhiều lý do khiến lao động trẻ có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay, đơn cử như thiếu kinh nghiệm.
Đa số lao động trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành hoặc vị trí mà họ quan tâm. Trong khi các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc. Tại Hà Nội, có đến 50% số vị trí việc làm trống trong tháng 7 yêu cầu người lao động có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên. Bên cạnh đó, trong một thị trường lao động có sự cạnh tranh cao, người lao động trẻ thường phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có. Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 88,25% ứng viên tìm việc nằm trong độ tuổi từ 25 tuổi trở lên.
Cùng với yêu cầu về kinh nghiệm, hiện các doanh nghiệp cũng yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ và điều này cũng là một rào cản cho lao động trẻ mới ra trường hoặc không có điều kiện học hành. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trên 60% nhu cầu tuyển dụng trong tháng 7 tại Hà Nội yêu cầu người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên. Ngoài ra, một số ngành nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý…Đây là những kỹ năng quan trọng cần đúc kết qua quá trình làm việc kéo dài.
Tiếp tục nâng cao chất lượng lao động
Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Nguyễn Thanh Hương – Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, cũng cho rằng, thiếu kỹ năng hay bằng cấp là một trong những điểm yếu của lao động Việt Nam. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao.
Theo thống kê từ các tin tuyển dụng của doanh nghiệp và thông tin lao động đi tìm việc trên các website quý 2/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 50,3% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ đại học trở lên, trong khi chỉ 45,9% người đi tìm việc đạt yêu cầu này. Tương tự, có 35,7% vị trí yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, song cũng chỉ có 20,2% người tìm việc có trình độ này. Ngược lại, chỉ có 14% vị trí được tuyển yêu cầu trình độ sơ cấp, hoặc không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật, nhưng có đến 33,9% người đi tìm việc không có bằng cấp/chứng chỉ.
Để góp phần tháo gỡ những rào cản việc làm của lao động trẻ, ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) nêu quan điểm cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Theo ông Lê Minh Thảo, chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia.
“Vì vậy, trong xu hướng đào tạo nghề, tôi cho rằng các trường phải tập trung đào tạo theo hướng chất lượng chứ không theo đại trà, số lượng, để nguồn lực lao động của chúng ta có thể vươn ra thị trường thế giới. Từ đó các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm với mức thu nhập tốt. Các trường cần tự khẳng định mình, thay đổi để làm sao đào tạo ngày càng chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không tách doanh nghiệp trong quá trình đào tạo”- ông Lê Minh Thảo nói.
Ngoài ra, để phù hợp với thị trường lao động Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến cáo người lao động cần thay đổi và phát triển thêm một số kỹ năng, chẳng hạn như kỹ năng kỹ thuật và công nghệ, bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, việc nắm vững kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là quan trọng. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ và phần mềm mới, kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm cũng là quan trọng để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc đa dạng và đòi hỏi sự hợp tác.
Mặt khác, đối với một thị trường lao động năng động như Hà Nội, khả năng quản lý thời gian và tự quản lý là quan trọng để có thể hoàn thành công việc đúng hạn, hiệu quả.Đặc biệt, hiện Tiếng Anh đã trở thành một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc toàn cầu. Vì vậy, việc người lao động có khả năng giao tiếp và hiểu biết tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong các công ty quốc tế hoặc có hoạt động quốc tế.
Phạm Diệp