Thời gian qua, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (QP-AN) cho sinh viên trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm Giáo dục QP-AN (Đại học Huế) tập trung đổi mới về chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hàng năm, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Trung tâm giáo dục QP-AN (Đại học Huế) tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho sinh viên thông qua việc tuyên truyền Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, chương trình giáo dục QP-AN trong hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa. Đây là cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả công tác giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho QP-AN.
Phó Giám đốc Thường thực Trung tâm Giáo dục QP-AN thượng tá Nguyễn Xuân Thiệncho biết: “Để góp phần nâng cao chất lượng giáo duc QP-AN cho đối tượngsinh viên, Trung tâm thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trực tiếp hỗ trợ giảng dạy cho các trường. Đổi mới nội dung, chương trình môn giáo dục QP-AN cho các trường cao đẳng, đại học và trung cấp nghề, tăng cường kiến thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia, kỹ năng quân sự, tăng thời gian thực hành… Thông qua môn học, sinh viên đã nhận thức đầy đủ hơn quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, có nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; có kỹ năng quân sự cần thiết để phát triển nhân cách toàn diện, tự giác, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hằng năm, toàn tỉnh có gần 13.000 nghìn học sinh, sinh viên của các trường đại học thuộc Đại học Huế được học giáo dục QP-AN. Giáo dục QP-AN là môn học chính khóa nên được chú trọng; nội dung trong sách giáo khoa dành cho giáo viên và sinh viên ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đặc biệt đối với nội dung thực hành được quan tâm hơn trước; nhất là về cơ sở vật chất việc dạy và học… Sinh viênđược học những kiến thức chung về công tác quân sự; truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; của lực lượng vũ trang tỉnh; nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự; tầm quan trọng của an ninh quốc gia; một số nội dung cơ bản trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…Trong năm học 2023-2024 có 21/21 đơn vị đã liên kết giáo dục QP-AN số lượng sinh viên về tham gia học 12.375 sinh viên; trong năm Trung tâm đã mua 4.000 phôi chứng chỉ tại Bộ GD&ĐT; nghiệm thu 2 đề tài cấp cơ sở; có 22 bài báo khoa học gửi ở các hội thảo và các tạp chí của ngành đạt kết quả cao.
Trung tâm đã triển khai dạy và học giáo dục QPAN một cách hiệu quả. Để nâng cao chất lượng QPAN tại trường, Trung tâm đã tiếp nhận và phân công nhiều cán bộ, sỹ quan có kinh nghiệm chuyên môn trực tiếp hỗ trợ giảng dạy bộ môn giáo dục QPAN. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo án giảng dạy nhưng cơ bản 100% sinh viên của các trường trường đều tham gia học tập và kiểm tra đánh giá học tập bộ môn giáo dục QPAN, kết quả đạt 90% tỷ lệ khá, giỏi.
Giám đốc Đại học Huế-Giám đốc Trung tâm giáo dục QP-AN Lê Anh Phương cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT Huế, là cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh, thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ về công tác giảng dạy. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn Bộ CHQS tỉnh nên việc dạy và học giáo dục QPAN của các trường đại học thuộc Đại học Huế được thực hiện đúng tiến độ, chương trình, nội dung giảng dạy theo quy định. Qua việc học tập đã giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về đường lối QPAN và công tác quản lý Nhà nước về QPAN; có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Môn học này còn có tác dụng rèn luyện tác phong, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật trong sinh viên”.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục QP-AN “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh cơ quan chuyên môn đã phân công nhiều cán bộ trực tiếp đến giảng dạy QP-AN tại các trường trên địa bàn tỉnh TT Huế. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, cơ quan đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sư phạm cho từng cán bộ, nội dung giảng dạy tập trung những nội dung giáo dục mới, thiết thực, cập nhật nhanh tình hình thời sự cho học sinh, sinh viên, vừa tăng cường các hoạt động trao đổi, tọa đàm, để người học chủ động hơn trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận kiến thức về QP-AN. Nhờ đó, chất lượng giáo dục QP-AN cho đối tượng học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên”.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên, thời gian tới, Hội đồng giáo dục QP-AN mà cơ quan thường trực là Bộ CHQS tỉnh TT Huế tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của công tác giáo dục QP-AN. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy môn học giáo dục QP-AN, gắn lý thuyết với thực hành, vừa giáo dục chính trị tư tưởng, vừa rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí, tinh thần kỷ luật và huấn luyện kỹ thuật quân sự. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm có phương pháp giảng dạy khoa học giúp sinh viên hăng say học tập, bộc lộ tài năng quân sự, làm cơ sở phát hiện, tuyển chọn, tạo nguồn nhân lực cho xây dựng lực lượng vũ trang.
Cùng với đó, Trung tâm giáo dục QP-AN tận dụng nguồn cơ sở vật chất vốn có của các nhà trường vào quá trình giảng dạy giáo dục QP-AN như nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi, sân tập, nhà đa năng và vận dụng linh hoạt địa hình tự nhiên làm giảng đường và thao trường huấn luyện, trang bị đầy đủ các loại vũ khí, mô hình để phục vụ giảng dạy. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên trưởng thành toàn diện, tự tin, có kiến thức QP-AN, có kỹ năng quân sự cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
XUÂN TRƯỜNG – HOÀNG PHƯƠNG