Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%…
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương (PVTM), ngày 12/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tháp gió có mã HS: 7308.20.0020 và 8502.31.0000 nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại kết luận này, DOC cho rằng việc ngừng áp thuế CBPG đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%.
Cục PVTM cho rằng, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế CBPG 58,24%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục để được hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, sản phẩm này đã bị Mỹ điều tra CBPG năm 2012 và áp thuế vào năm 2013, mức thuế từ 51,54% – 58,54%. Mã vụ việc: A-552-814.
Vào năm 2019, DOC đã khởi xướng điều tra CBPG và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Canada, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam.
Do đó, việc rà soát hoàng hôn được thực hiện 5 năm một lần, nhằm điều tra lại tất cả các yếu tố như phá giá, trợ cấp và thiệt hại. Nếu kết quả rà soát cho thấy việc ngừng áp thuế CBPG có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Mỹ thì lệnh áp thuế sẽ được áp dụng thêm 5 năm nữa.
Ngày 10/4 vừa qua, DOC đã thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn lần thứ 2 đối với lệnh áp thuế CBPG sản phẩm tháp gió (utility scale wind towers) nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Mỹ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Đến nay, Mỹ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc CBPG, 11 vụ việc CTC, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 03 vụ việc tự vệ.
Trong các vụ việc điều tra CBPG, do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên Mỹ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc CBPG khiến mức thuế CBPG tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.