Hiện nay, mực nước các sông Bùi, sông Tích, sông Cầu, sông Cà Lồ tiếp tục xuống chậm. Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên các sông diễn ra chậm, nên tình trạng ngập úng còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, từ 7h đến 19h ngày 14/9, hầu hết trên địa bàn Thành phố không mưa. Địa bàn quận Hà Đông mưa nhỏ, dưới 3mm.
Mực nước các sông Bùi, sông Tích, sông Cầu, sông Cà Lồ tiếp tục xuống chậm. Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên các sông diễn ra chậm nên tình trạng ngập úng còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính như: Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn…, đặc biệt khu vực đê hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và đê sông Tích thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội tại thời điểm 19h ngày 14/9, mực nước sông Hồng, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 1; mực nước sông Đáy, sông Nhuệ đang xuống chậm ở mức báo động 2; sông Bùi, sông Tích, sông Cầu, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 3. Mực nước một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ: Hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt; hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy.
Về tình hình ngập úng khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, đến 18h ngày 14/9, trên địa bàn Thành phố không còn điểm úng ngập. Đến 19h ngày 14/9, các công ty thủy lợi đã vận hành 78 trạm bơm tiêu với 354 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.404.900 m3/h; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã vận hành mở đập Thanh Liệt từ thời điểm 8h ngày 13/9, Trạm bơm Yên Sở hoạt động 16/20 bơm.
Về công tác di dời dân, theo báo cáo của các quận, huyện thị xã tính đến thời điểm 17h ngày 14/9, các quận, huyện thị xã đã tổ chức di dời 75.297 người đến nơi an toàn, trong đó 43.972 người đã quay trở về nơi ở cũ chủ yếu tập trung tại các địa bàn: Tây Hồ, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm…
Về công tác ra quân dọn vệ sinh môi trường, tính đến 19h ngày hôm qua, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã huy động 100% lực lượng tham gia dọn vệ sinh môi trường với số lượng khoảng 139 nghìn người, một số quận, huyện có số lượng huy động lớn gồm: Nam Từ Liêm 60 nghìn người, Tây Hồ 12 nghìn người, Hoài Đức 10 nghìn người, Cầu Giấy 7,2 nghìn người.
Về công tác cứu trợ, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về việc bổ sung cho các quận, huyện năm 2024 để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn (trong đó, huyện Chương Mỹ được hỗ trợ 10 tỷ đồng).
Sở Công Thương hỗ trợ 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc (loại 24 chai/1 thùng); 96 thùng lương khô. UBND huyện Chương Mỹ tạm cấp hỗ trợ cho 11 xã trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng; cấp phát 27 nghìn lọ/tuýp thuốc kháng sinh đường ruột, điều trị tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa, sát khuẩn, điều trị da liễu, nấm ngoài da, viêm da, viêm da tiếp xúc và thuốc nhỏ mắt cho các xã, thị trấn vùng ngập lụt.
Để đảm bảo ổn định đời sống người dân, khắc phục, giảm nhẹ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố chủ động, kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, chặt tỉa cây xanh gãy, đổ, công tác phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ…
Tiếp tục tăng cường kiểm tra hiện trường, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê theo các cấp báo động, kịp thời phát hiện các sự cố và xử lý kịp thời ngay giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với các khu dân cư ngoài bãi sông đang bị ngập lụt, nguy hiểm, tiếp tục thực hiện phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ vẫn đang ở mức cao, nguy cơ mất an toàn, đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố về việc dừng bơm nước ra hệ thống sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ.
Thiện Tâm