Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 đã tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, vấn đề vốn vay được người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp rất quan tâm.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, Điều 48 của Nghị định trên quy định về mức vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:
Trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, tối đa không quá 1 tỉ đồng (trước đây tối đa là 500 triệu đồng), có căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở của cấp có thẩm quyền và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Như vậy, người mua nhà ở xã hội có thể được vay mức tối đa lên đến 1 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, việc nâng mức cho vay lên 1 tỷ đồng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng được hưởng chính sách, giúp họ có thêm nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định, chính sách này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo ông Lê Hoàng Châu, trước đây cho vay 500 triệu, nếu bây giờ tiếp tục cho vay 500 triệu thì với giá cả vật liệu xây dựng, nhân công tăng lên, thực tế sẽ không hỗ trợ được nhiều. Tuy nhiên nâng mức hỗ trợ lên 1 tỉ đồng thì rất có lợi cho các cá nhân, hộ gia đình.
Trước thông tin người mua nhà ở xã hội có thể được vay mức tối đa lên đến 1 tỉ đồng, công nhân, người lao động rất vui mừng bởi với số tiền dành dụm cộng thêm được mức vay hỗ trợ này, giấc mơ an cư sẽ gần thêm một bước.