Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề…
Bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất
Dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, với nhiều chính sách mới được đề xuất. Đáng quan tâm, quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định, với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm quỹ tiền lương thì lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đồng thời, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư do cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh.
Chính phủ quy định thang, bảng lương và các nội dung liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.
Dự thảo Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ nhà giáo, bao gồm: Chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo; miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc.
Ngoài chính sách chung nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ.
Cụ thể như: Nhà nước có chính sách đầu tư, xây dựng nhà công vụ có đủ điều kiện thiết yếu cho nhà giáo đến công tác tại nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định; chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng…
Phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương
Thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.
Đồng tình cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách…
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng giữa quy định của dự thảo Luật và các quy định của luật có liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp.
“Việc cải cách tiền lương của nhà giáo cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng cũng cần phải linh hoạt hơn nữa, đảm bảo đãi ngộ đối với người tài trong ngành giáo dục, tránh câu chuyện “sống lâu lên lão làng”, luôn cứ thế tuần tự, trong khi đó, những người giỏi đằng sau làm tốt lại không có chính sách khuyến khích”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Quan tâm đến chính sách thu hút nhà giáo, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay, dự thảo Luật đã quy định về nội dung này, nhưng vẫn còn chung chung, cần có những định hướng trong luật để nghị định thể hiện chi tiết cho phù hợp.
Liên quan đến việc tổ chức thi nâng ngạch cho giáo viên, giảng viên, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, trên thực tiễn, việc thi chưa đúng thời hạn, do trách nhiệm thuộc về địa phương hoặc bộ chủ quản còn chậm thực hiện. “Theo quy định, thâm niên công tác giữ ngạch là 9 năm và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sẽ đủ điều kiện được thi nâng ngạch từ giảng viên lên giảng viên chính. Nhưng nhiều giảng viên phải qua 13 – 14 năm mới có đợt tổ chức để thi nâng ngạch”, bà Hải cho biết.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nhất trí đề xuất độ tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với nhà giáo là phải có luật quy định riêng, giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ trước 5 năm…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thật kỹ lưỡng, đánh giá tác động với các chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và các chính sách khác như tiền lương, chính sách nhà ở…
“Đây là luật mới, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện tư duy theo hướng mới là ngắn gọn, ổn định và đảm bảo linh hoạt trong quá trình phát sinh trong thực tiễn. Vấn đề gì đã chín, đã rõ, đúng thẩm quyền thì đưa vào luật, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Bộ Giáo dục, của bộ khác thì để Chính phủ, Bộ Giáo dục quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà ggiáo
Phương Thảo