Một số cá nhân kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu lợi dụng mưa bão thực hiện hành vi găm hàng, tạo ra tình trạng khan hiếm, khiến giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ.
Những ngày qua, trong thời điểm bão lũ, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin giá rau xanh tại các chợ dân sinh gần đây tăng chóng mặt, nhất là một tuần trở lại đây. Giá rau đắt đỏ, trong khi giá thịt lợn đang giảm nên nhiều bà nội trợ kêu trời tiền rau tốn hơn tiền thịt.
“Chưa bao giờ nhà tôi đi chợ mà giá rau lại đắt đỏ như vậy. Giờ tiền rau xanh một ngày của gia đình 5 người như nhà tôi hết hơn 50.000 đồng, bằng tiền mua 7-8 lạng thịt cho mọi người ăn”, bà Phạm Thị Diên (Văn Quán, Hà Đông) cho biết.
Theo bà Diên, nhiều loại rau củ dù dập nát, giá cao nhưng người mua vẫn tranh nhau lấy vì sợ hết hàng. Có một số tiểu thương còn cố tình cất bớt hàng tạo ra tình trạng khan hiếm giả để đẩy giá lên cao.
Có thể nói, tình trạng các điểm kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu lợi dụng mưa bão thực hiện hành vi găm hàng, tạo ra tình trạng khan hiếm giả gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, lạm dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả mạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 – dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại với mục đích thu lợi bất chính nhưng chưa đến mức hình sự trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng:
Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Với hàng hóa có giá trị từ 100 – dưới 200 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng… Trường hợp hàng hóa có giá trị 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật liên quan đến vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6-12 tháng; bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm
Đối với hành vi găm hàng, các hành vi vi phạm theo quy định của Điều 31 Nghị định 98/2020 sẽ bị phạt tiền theo các mức: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng cho một trong những hành vi sau khi không có lý do chính đáng: Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức, thời gian bán hàng…
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hoàng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ.
Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.