- Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18 diễn ra vào tối 21/6 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, BTC đã trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải khuyến khích.
Sự kiện có sự tham gia của đồng chí Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII, đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII – khẳng định báo chí trong năm qua đã phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Báo chí đã phát hiện ra các mô hình phát triển nông nghiệp, nông sản, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cập tới những vấn đề, những điểm nghẽn của nền kinh tế như: đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng… Đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng của xã hội; nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Người làm báo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp.
Tại Giải Báo chí Quốc gia năm thứ XVIII, số lượng tác phẩm dự giải đạt ở mức cao nhất trong những năm gần đây với hơn 1.900 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm Sơ khảo, Chung khảo được tiến hành đúng theo Hướng dẫn, Điều lệ Giải, khách quan, công tâm, hiện đại và chuyên nghiệp. Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo, và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện, đặc biệt có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà các cơ quan báo chí địa phương đã ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đã nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua.
Chủ tịch nước nêu rõ, trải qua trải qua 99 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với mục tiêu cao quý, thiêng liêng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đã thể hiện rõ nét vai trò vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, ngọn cờ cách mạng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, không nề gian khó, hy sinh, sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, các thế hệ nhà báo đã chung sức, đồng lòng xây dựng nên nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, của dân; là cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng và Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với bạn bè quốc tế. Trong quá trình đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, báo chí và đội ngũ những người làm báo đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tích cực tuyên truyền, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, khơi dậy khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước độc lập, phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.
Năm 2025, khi kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là một năm bản lề, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, đồng thời cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; cũng như xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Chính vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, “vừa hồng, vừa chuyên”, phải luôn thường trực lời Bác dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết”, “tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thân tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Thứ hai, phát huy cao độ vai trò của báo chí – công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao. Tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; giáo dục, hướng dẫn các giai tầng trong xã hội hành động theo chuẩn mực, đạo đức xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực vươn lên cho sự phát triển của đất nước
Thứ ba, tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành. Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Thứ tư, báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số. Xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyển đối số mạnh mẽ và có kết quả cụ thể. Chú trọng thúc đẩy tất cả các yếu tố trong các giai đoạn của chuyển đổi số báo chí, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn”. Để trở thành những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là “thư ký của thời đại”, trở thành “người gác cổng của nhân dân”, người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại. Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo – lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.
Minh Đức