Nhiều lao động nữ có mức thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến đời sống bấp bênh, đặc biệt gặp khó khăn trong thời kỳ nuôi con nhỏ.
Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến đa số họ phải gửi con về quê nhờ ông bà trông nom dẫn tới những bất cập trong thiên chức làm mẹ.
Muôn nỗi lo lắng, trăn trở
Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa thực hiện khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Cuộc khảo sát từ tháng 6 đến tháng 8/2023, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở 10 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương. Kết quả cho thấy, trong số 891 lao động nữ di cư được khảo sát, có 47,1% cho biết họ gặp khó khăn về nhà ở, cuộc sống bấp bênh. Ngoài ra, 46% cho rằng thu nhập không đủ trang trải; 14,5% khó khăn xin học cho con tại nơi cư trú do không có hộ khẩu; 14,6% không có thời gian chăm con cái; 7,3% không có nhà trẻ ở gần để gửi con.
Chị Nguyễn Hải Yến (31 tuổi, quê Bắc Ninh) cho biết chế độ thai sản hiện nay chỉ cho người lao động nghỉ 6 tháng. Nếu chị em cố gắng đi làm đến sát ngày sinh thì khi con nhỏ mới được gần 6 tháng tuổi người mẹ đã phải đi làm trở lại. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa mở trường mầm non công lập cho trẻ ở độ tuổi này mà chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Chưa kể, nhiều khi công việc bận rộn phải tăng ca khiến nhiều người lao động không thu xếp được thời gian đón con, chăm sóc con cái. Điều này khiến người lao động nữ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Mặc dù đã cân nhắc gửi con ở các trường hoặc nhóm lớp tư thục để có thời gian đi làm song mức tiền phải nộp đắt đỏ gấp 3 – 4 lần so với trường công là điều mà chị Hải Yến và nhiều người lao động khác trăn trở. Khi mà mức lương của những người lao động tại các khu công nghiệp như chị mới ở mức “đủ ăn” thì việc gửi con trong tình hình như vậy trở thành bất cập. Với mức thu nhập này họ phải chắt chiu, tiết kiệm lắm mới có thể cân đối được các loại phí sinh hoạt, không có tiền tích lũy để bỏ ra “giải quyết tình huống” khi trở thành mẹ bỉm sữa.
Có chung sự lo lắng, căng thẳng này, chị Đặng Thu Thuỷ, lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên chia sẻ, do cả hai vợ chồng đều bận đi làm và tăng ca, nên chị đã phải gửi hai con về cho ông bà chăm sóc.
“Ở đây do điều kiện còn hạn chế nên chúng tôi chỉ thuê được nhà trọ nhỏ, mọi sinh hoạt bó gọn trong 25 m2, thiếu thốn nhiều tiện nghi. Gửi con về cho ông bà trông giúp vừa giảm bớt gánh nặng tài chính, vừa để con có không gian rộng rãi, đỡ bí bách chật chội. Hơn nữa cháu còn nhỏ, nếu gửi con đi nhà trẻ sớm quá vợ chồng tôi cũng không thể yên tâm đi làm. Tuy nhiên vì thiếu sự gần gũi bố mẹ, ông bà thì lại thương cháu nên chiều chuộng, dẫn đến việc con khá ương ngạnh, bướng bỉnh. Cháu thường xuyên la hét, ăn vạ nếu như có điều gì không đúng ý, đòi hỏi cái này cái khác”, chị Thuỷ buồn bã tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Liên, một đứa trẻ hàng ngày thiếu thốn sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ là sự thiệt thòi không thể bù đắp được. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải sống xa con.
Mong ước chính đáng của những người mẹ
Chia sẻ về những mong muốn của bản thân, chị Nguyễn Hải Yến cho rằng Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là đối với lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản và chăm con nhỏ. Mặc dù vậy, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn chưa được giải quyết triệt để.
“Tôi mong rằng các cấp/ngành có thể xem xét mở các lớp mầm non công lập cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi với chi phí hợp lý để chúng tôi yên tâm gửi con đi làm, có thu nhập trang trải cuộc sống. Đặc biệt, xây dựng nhà trẻ ngay gần khu công nghiệp cũng là một trong những giải pháp để chúng tôi tiết kiệm thời gian đưa đón con cái”, chị Hải Yến đề đạt nguyện vọng.
Sau khi bàn bạc với chồng, chị Đặng Thu Thuỷ đã quyết định đưa con lên ở cùng bố mẹ để thuận tiện bảo ban, dạy dỗ. Chị Thu Thuỷ chia sẻ về mong muốn có những chính sách tăng lương, thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp cho lao động nữ để những người như chị có thêm động lực làm việc.
“Vợ chồng tôi đang cố gắng gom góp để có thể chuyển sang một khu trọ mới tiện nghi hơn, an ninh trật tự tốt hơn để tạo điều kiện cho con được phát triển trong môi trường và điều kiện tốt nhất với hoàn cảnh của chúng tôi”, chị Thu Thuỷ chia sẻ.
Thực tế, hiện nay lao động nữ đã và đang được hưởng một số quyền lợi đặc thù về lao động và bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật nêu rõ, theo Khoản 4, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 4, Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý thì theo Khoản 1, Điều 137, Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
Căn cứ Điểm d, Khoản 4, Điều 122, Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, nếu vi phạm nội quy lao động trong thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật.
Điều 137, Bộ luật Lao động hiện hành nghiêm cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Hà Trang