Làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội hiện đang được xây dựng thành không gian sáng tạo độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách. Điều này có rất có ý nghĩa khi Hà Nội đang hiện thực hóa các sáng kiến khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Khơi dậy giá trị truyền thống bằng các hoạt động sáng tạo
Làng cổ Đường Lâm được biết đến là nơi mang giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; là quê hương của “đất hai Vua” Ngô Quyền, Phùng Hưng và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Không chỉ bảo tồn, phát huy tốt các giá trị truyền thống,
Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gial. Năm 2019, Làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là điểm du lịch cấp Thành phố. Cho đến ngày nay, Làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được hơn 90 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống.
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Đường Lâm luôn được chú trọng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp quản lý và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế. Di tích đã và đang phát huy giá trị một cách bền vững, đúng với tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề ra.
Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn giá trị Làng cổ, tăng sức hấp dẫn cho di sản, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo. Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động theo hướng khai thác giá trị văn hóa Làng cổ cho hoạt động sáng tạo, vừa tăng trải nghiệm cho khách nhưng đồng thời góp phần phát huy giá trị Làng cổ. Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm luôn đồng hành với các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động như vậy và định hướng cho người dân phát triển các mô hình sáng tạo, giúp người dân giới thiệu, đưa khách đến tham quan, trải nghiệm. Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng khẳng định, từ sự hỗ trợ phát triển các mô hình, người dân sẽ thu được nguồn lợi, từ đó sẽ lan tỏa rộng hơn và họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị Làng cổ.
Mới đây, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative – không gian sáng tạo đầu tiên và tiếp theo là không gian Đoài Community của Làng cổ Đường Lâm chính thức ra mắt, phục vụ trẻ em làng cổ và du khách đến tham quan. Kiến trúc được cải tạo mang đậm nét văn hóa truyền thống xứ Đoài, hài hòa với không gian chung của làng cổ. Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng, chủ của không gian sáng tạo cho biết, ở Đường Lâm có nhiều không gian có giá trị nên khi thấy dãy kiot không sử dụng hiệu quả, anh đã thuê lại để thổi hồn cho nó, tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch, để khách đến Đường Lâm cảm nhận được nhiều giá trị hơn. Đoài Creative và Đoài Community là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ. Các hoạt động sáng tạo ở đây đều dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Làng cổ Đường Lâm như nặn đất, vẽ trên ngói mũi hài…
Đến Làng cổ Đường Lâm, nhiều người tìm đến xưởng điêu khắc sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát để thưởng lãm những tác phẩm độc đáo với đủ loại kiểu dáng, kích cỡ, sáng tạo trên nền các giá trị truyền thống. Với lợi thế không gian sân vườn rộng và công trình kiến trúc nhà cổ, xưởng điêu khắc sơn mài được tổ chức thành không gian trưng bày sản phẩm hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Với sự đam mê với lao động nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra những sản phẩm độc đáo và có giá trị kinh tế cao, rất khác biệt so với các sản phẩm sơn mài trên thị trường. Đặc biệt, chào đón mỗi năm mới, anh đều sáng tạo bộ sưu tập 12 con giáp độc đáo, ứng dụng trưng bày trong đời sống. Năm Nhâm Dần 2022, nghệ nhân đã chế tác 2.022 con hổ với những kiểu dáng thủ vị, thân thiện. Năm Quý Mão 2023, anh đã cho ra mắt bộ sưu tập gồm 2.023 sản phẩm chú mèo độc bản. Năm Giáp Thìn 2024 là mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, việc chế tác những linh vật cổ truyền của dân tộc vào mỗi dịp lễ, Tết, để từ đó, văn hóa truyền thống lan tỏa, tác phẩm cũng sẽ dễ dàng tiếp cận nhiều hơn với công chúng.
Bên cạnh đó, ở Làng cổ Đường Lâm đang hình thành rất nhiều các hoạt động sáng tạo, không gian sáng tạo nhằm tăng sức hút cho Làng cổ, khơi dậy các giá trị truyền thống đến du khách bằng góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.
Tạo sức hút bằng các hoạt động văn hóa hấp dẫn
Với lợi thế là một làng Việt cổ, đang bảo lưu rất nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mang đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, hiếm nơi nào có được, Làng cổ Đường Lâm được coi như một “bảo tàng sống”. Không chỉ có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đang hiện hữu, việc phát huy các giá trị bằng những hoạt động văn hóa nhằm quảng bá đến đông đảo du khách, nâng cao vốn hiểu biết và ý thức giữ gìn di sản của khách đang được Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm chú trọng.
Hằng năm, vào dịp Tết nguyên đán, Chương trình xúc tiến du lịch với tên gọi “Tết làng Việt” mời các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đến tham dự, tại đây du khách sẽ được trải nghiệm các phong tục đón tết truyền thống được tổ chức ngay khu vực làng cổ và đình Mông Phụ với các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản vật địa phương, trải nghiệm trò chơi dân gian, tham quan làng cổ… Trong không gian chợ có khu trang trí phong cách chợ quê, phục vụ du khách chụp ảnh, “check-in” và không gian thầy đồ cho chữ ngày Xuân. Ngoài ra, du khách đến với Làng cổ Đường Lâm dịp này còn được người dân địa phương hướng dẫn gói bánh chưng, học làm kẹo lạc, làm bánh, chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống. Ban tổ chức cũng bố trí các tour du lịch để du khách tham quan nhà cổ, tìm hiểu di sản và các làng nghề truyền thống tại Đường Lâm.
Cũng bởi có nhiều khách du lịch lưu trú ở Làng cổ Đường Lâm khi đến tìm hiểu, khám phá di sản này nên từ tháng 12/2023, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức chợ đêm phục vụ khách du lịch. Chợ đêm thành hoạt động thường xuyên vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, tạo điểm nhấn cho du lịch làng cổ.
Bên cạnh đó, trong các dịp lễ Tết hoặc định kỳ trong năm, Ban Quản lý di tích còn phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm, giới thiệu trang phục truyền thống nhằm phát huy giá trị kiến trúc Làng cổ Đường Lâm, quảng bá lịch sử, văn hóa, kiến trúc di tích đến đông đảo người dân và du khách.
Mới đây, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức triển lãm “Cộng đồng số 01” đem những giá trị văn hóa và kiến trúc của Làng cổ Đường Lâm nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng. Triển lãm sắp đặt, trưng bày các tác phẩm ký họa về Đường Lâm được triển khai từ năm 2013 và những cấu kiện nhà cổ Việt Nam được sưu tầm trong hơn 13 năm. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức giao lưu vẽ phác họa ngay tại Đường Lâm do Tổ chức Urban Sketchers Vietnam, Urban Sketchers Hà Nội và Câu lạc bộ họa sĩ màu nước Hà Nội kết hợp cùng lớp Mỹ thuật Luly Art thực hiện. Đây là sự kết hợp ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa và kiến trúc cùng các bạn nhỏ Đường Lâm, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.
Dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tại di tích Làng cổ Đường Lâm với các sự kiện văn hóa, du lịch như: Triển lãm không gian sáng tạo với chủ đề “Dòng chảy” tại ĐOÀI creative và Đoài Community; triển lãm ảnh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm với chủ đề ” Mây trắng xứ Đoài” tại cổng Làng cổ Đường Lâm; tổ chức chợ quê giới thiệu các đặc sản địa phương, trải nghiệm làm ẩm thực truyền thống tại sân Đình trên làng Mông Phụ; các hoạt động trải nghiệm và trình diễn nghệ thuật sơn mài và làm gốm tại không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.
Gìn giữ và phát huy những nét cổ truyền
Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, các hoạt động góp phần đem đến cho nhân dân và du khách những khám phá về đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm, thông qua đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống. Trên cơ sở thành công của các hoạt động, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động khác nhằm quảng bá và phát huy tốt hơn giá trị Làng cổ.
Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm còn phối hợp với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong Làng cổ tổ chức nhiều tour sản phẩm du lịch để thu hút khách. Ngoài việc tìm hiểu câu chuyện lịch sử, những nét kiến trúc, mỹ thuật của không gian Làng cổ và các di tích, khách tham quan còn được thưởng thức sản vật nông thôn; trải nghiệm 1 ngày làm nông dân; dịch vụ homestay; du lịch mùa lúa chín, du lịch ẩm thực…
Đặc biệt, du lịch ẩm thực thưởng thức món ngon Làng cổ và tham gia trải nghiệm làm các sản vật Đường Lâm đang được nhiều người quan tâm. Nhiều tour du lịch được hình thành từ nhu cầu này, khách được tham gia làm bánh kẹo, chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân. Đó là tour du lịch bố trí cho các em học sinh tham gia thu hoạch nông sản, mang về các nhà hàng trong làng để chế biến và thưởng thức. Tour du lịch dành cho khách, nhất là khách quốc tế đi chợ Mía sáng sớm, mua thực phẩm về chế biến món ăn…Với những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững năm 2024 di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được diễn đàn du lịch Đông Nam Á công nhận là: Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024.
Bảo tồn và phát huy giá trị là hoạt động song hành, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Việc phát huy giá trị theo hình thức sáng tạo không làm ảnh hưởng đến giá trị gốc của di sản mà còn tạo cho di sản một vẻ đẹp mới lạ, hấp dẫn, tạo thêm sức sống mới cho di sản. Nhất là khi Hà Nội đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo thì điều này càng cần thiết và tại Làng cổ Đường Lâm đang thực hiện hiệu quả điều đó.
Minh Anh