Chúng tôi đến Cái Bèo trong một chiều muộn, mang theo mỏi mệt của thành thị và cả tò mò về một ngôi làng chài vẫn còn tồn tại giữa vùng vịnh nổi tiếng du lịch. Nằm ven thị trấn Cát Bà, nay trực thuộc thành phố Hải Phòng, làng chài Cái Bèo hiện ra như một lát cắt nguyên vẹn của ký ức Việt, nơi con người, biển cả và nhịp sống xưa cũ vẫn bền bỉ trôi qua theo thời gian.
Du thuyền nhẹ nhàng rẽ sóng ra khơi, rời xa bến bãi ồn ã, đưa chúng tôi dần tiến vào không gian yên bình của làng chài Cái Bèo. Không gian thay đổi rõ rệt chỉ sau ít phút. Hai bên thuyền, những căn nhà nổi bằng gỗ lợp mái tôn xanh đỏ dần hiện ra san sát.

Những lồng nuôi cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một đứa trẻ mặc áo phao màu cam đứng chơi bên mép ván, gần đó là mấy chú chó vàng nằm lim dim trong nắng. Một phụ nữ treo quần áo trên dây, còn một ông lão đang cặm cụi sửa lại tấm lưới trước hiên nhà. Cuộc sống hiện ra, thật đến từng hơi thở, không cần diễn giải.
Tôi từng ghé qua nhiều làng chài, nhưng chưa nơi nào khiến tôi lặng người như Cái Bèo. Có lẽ bởi nơi đây không cố gắng trở thành điểm đến. Nó chỉ là chính nó, bình dị, trầm lặng và không màng đến ánh nhìn của du khách. Mỗi nhà bè như một thế giới thu nhỏ: có bếp, có giàn hoa, có võng, có cây cảnh, và đôi khi có cả mèo, chó, trẻ con sống giữa sóng nước như thể từ bao đời vẫn vậy.

Chị Anh Thư (ở Kim Liên, Hà Nội) ngồi cùng khoang với tôi, chia sẻ, chị đến Cát Bà nhiều lần nhưng lần đầu mới chọn trải nghiệm bằng du thuyền. “Không nghĩ Cái Bèo vẫn giữ được sự mộc mạc đến thế. Nhìn người dân sinh hoạt, thấy đời sống thật quá đỗi giản dị mà mình như chùng lòng lại”.
Không chỉ là làng chài hiện tại, Cái Bèo còn là một di tích khảo cổ, nơi có cư dân sinh sống cách đây hơn 7.000 năm, theo các cuộc khai quật. Anh Trần Hạnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) ngồi gần đó tiếp lời: “Tôi đã đến nhiều nơi nhưng ít có chỗ nào vừa là không gian sống, vừa là một di sản lịch sử mà lại gần gũi thế này. Ở đây không có hàng rào, không có vé vào cổng, người ta sống đời sống của họ, như vẫn từ bao đời”.

Du thuyền tiếp tục rời khu vực làng chài, tiến ra vùng nước rộng hơn của vịnh Lan Hạ. Những vách núi đá vôi dựng đứng hai bên như những bức tường thiên nhiên kỳ vĩ, mặt nước trải rộng trong màu ngọc bích. Nắng chiều lúc ấy bắt đầu rơi xuống mặt biển, trải thành từng dải vàng rực như tơ mỏng. Tôi ngồi im bên lan can tàu, chẳng cần đến máy ảnh – bởi tôi biết, ánh sáng này không thể cất giữ trong thẻ nhớ, mà chỉ có thể giữ trong tim.
Giữa vịnh, du thuyền dừng lại để hành khách trải nghiệm. Một số người vui vẻ thử trượt nước, nhảy cầu từ boong tàu xuống biển. Những tiếng hò reo vang lên, nước bắn tung tóe. Một vài nhóm chọn chèo kayak luồn lách giữa các cụm núi đá và bè cá. Mặt nước loang loáng ánh hoàng hôn, những mái chèo khua nhè nhẹ, từng chuyển động như được vẽ chậm lại trong khung hình hoàn hảo.

Quốc Trường, một nhiếp ảnh gia từ Đà Nẵng, cầm máy ảnh nhưng không vội bấm. Anh nói: “Tôi thích những nơi không cố gắng làm đẹp. Cái Bèo và cả Lan Hạ lúc này, là vẻ đẹp thật sự, không phô diễn mà cứ âm thầm cuốn người ta vào”.
Khi thuyền quay lại gần làng chài để dùng trà chiều, tôi tranh thủ ghé vào trò chuyện cùng một người đàn ông đang dọn lại bè cá. Anh chia sẻ: “Chúng tôi sống giữa biển từ đời ông cha. Nhiều người bảo ở đây vất vả, nhưng với chúng tôi, đó là quen. Sớm gió, chiều nước, nhưng bình yên. Chỉ mong sau này nếu phát triển du lịch thì cũng giữ lại được cái nếp này, chứ đừng san lấp, xây bến to, rồi con cháu lại phải lên bờ hết…”.

Lúc tàu cập bến, ánh mặt trời chỉ còn là vệt đỏ mỏng phía chân trời. Cát Bà lên đèn, thị trấn bắt đầu đón khách về đêm. Nhưng tôi biết, mình vừa để lại một phần tâm trí ở Cái Bèo, nơi có tiếng trẻ thơ trên ván gỗ, có mái tôn đỏ, lồng cá xanh, và cả ánh mắt ngư dân chưa từng rời biển.
Giữa thời đại mà du lịch ngày càng gắn liền với check-in, công nghệ và dịch vụ tiện nghi, Cái Bèo lại giống như một nhịp trầm cần thiết để người ta dừng lại, thở chậm và quan sát. Ở đó, điện thoại đôi khi không có sóng, wifi là thứ xa xỉ, nhưng nụ cười người dân thì lúc nào cũng sẵn có. Du khách không được phục vụ tận răng, không có ai dắt tay chỉ chỗ đẹp để chụp hình, nhưng lại được trải nghiệm thứ quý hơn: một không gian sống thật, một lát cắt nguyên bản của đời sống miền biển Bắc Bộ. Cái Bèo không khiến người ta trầm trồ, mà để lại dư âm. Và trong thế giới ồn ào hôm nay, có lẽ dư âm mới là điều khiến ta quay lại.
H.Duy